Khách mua quan tâm đến môi trường sống
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản Việt Nam đang có rất nhiều sự dịch chuyển và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nghĩa là chúng ta đã có những doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng, mô hình sản phẩm rõ ràng và thị trường bắt đầu có các loại quỹ tham gia vào thị trường.
Điều đó cho thấy sự dịch chuyển từ cá nhân nhỏ lẻ sang thị trường lớn hơn để gia nhập vào thị trường khu vực và toàn cầu.
Bất động sản là mạch xương sống của nền kinh tế tài là an sinh xã hội, trải dài ở tất cả các phân khúc.
Về viễn cảnh thị trường năm 2032, bà Trang cho rằng bất động sản không chỉ dừng lại ở căn hộ, đất nền, nhà ở xã hội mà còn rất nhiều phân khúc khác.
“Riêng về thị trường căn hộ ở Hà Nội, các khu đô thị tích hợp được các tiêu chuẩn, có chỗ đỗ xe, khả năng cung cấp chỗ đỗ xe của dự án dần trở thành một trong những yếu tố cân nhắc chính đối với khách mua. Đồng thời các sản phẩm trung cấp đang có nhu cầu thật trong những năm qua”, bà Trang nhận định.
Đại diện Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đang tăng trưởng về chất, đặc biệt người mua cao cấp quan tâm đến môi trường sống cân bằng, bền vững hơn là một không gian sống đơn thuần.
Vì thế, những đại đô thị hay bất động sản “all in one” có quy mô lớn, được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, trải nghiệm sống độc đáo hấp dẫn khách mua, đặc biệt đối với những khách mua để ở.
Trong đó, Khu Đông và khu vực ngoại đô đóng góp chính vào lượng cung mới qua các năm chủ yếu nhờ vào hạ tầng kết nối với các quận nội đô dần được cải thiện.
Còn thị trường bất động sản đất nền, bà Trang đánh giá đây luôn là phân khúc “thú vị”, vì đó là đầu tư cho tương lai, luôn được quan tâm và ảnh hưởng tới rất nhiều góc độ trong an sinh xã hội.
Xu hướng hiện nay của các chủ đầu tư là xây dựng các dự án lớn hơn ở khu vực phía đông và phía tây Hà Nội, các khu vực này có đóng góp rất nhiều nguồn cung cho thị trường.
“Theo chúng tôi nghiên cứu, các chủ đầu tư ở thị trường bất động sản rất đặc thù, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và nguồn vốn lớn. Vậy cấu trúc phải nằm ở vốn chủ sở hữu ít nhất phải từ 30-40%, nợ ngân hàng, các loại nợ dưới 50% và phải có nhà đầu tư chiến lược. Đạt được các điều kiện đó thì thị trường mới đảm bảo cân bằng”, bà Trang Bùi phân tích.
Về phía người mua, theo chuyên gia này, người mua để ở và người mua đầu tư dài hạn chiếm phần lớn trong bối cảnh hạn chế tín dụng.
“Người mua quan tâm nhiều hơn đến các dự án đã hoàn thành và cung cấp các tiện ích phù hợp, tình trạng pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín”, bà Trang nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần minh bạch vì lợi ích của chính mình
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng thị trường bất động sản nói riêng có cơ hội phục hồi và phát triển trong dài hạn.
Nhưng ông cho rằng nên tránh nhìn chung chung và khi phân tích phải đi rõ vào phân khúc, sản phẩm nào. Theo ông, trong sự khó khăn vẫn có những sản phẩm đang bán và có người mua.
Trong giai đoạn đầu năm 2023, có thể khó có các sản phẩm mới và đột biến. Nhưng trong năm này có sản phẩm nhà ở xã hội, phân khúc tầm trung.
Hiện nay, các tỉnh đang trong quá trình khẩn trương hoàn thành các quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh nào cũng có hai yếu tố cơ bản là bất động sản đô thị và bất động sản khu công nghiệp, trong đó bất động sản khu công nghiệp là phân khúc được kỳ vọng cao về mặt thể chế.
Ông Hiếu nhấn mạnh, thị trường vẫn có thể khởi sắc theo phân loại của nhà đầu tư. Trong năm 2023, nếu Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý vướng mắc trong ngắn hạn được thực hiện quyết liệt, nhanh và có kết quả sẽ đóng góp rất nhiều. Đây là dư địa lớn nhất để kỳ vọng.
Theo kinh nghiệm các nước, khung pháp lý về phá sản, rút lui khỏi thị trường cũng nên rà soát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ cấu lại không mong muốn. Đồng thời, cần tính đến bổ sung thêm việc cơ cấu lại các dự án bất động sản có thể ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên có liên quan, đặc biệt là những nhà đầu tư, những người mua nhà trong tương lai.
Ông Hiếu cho rằng, muốn khôi phục niềm tin của khách hàng, đòi hỏi phải có sự hợp tác của ba bên gồm Nhà nước - nhà đầu tư - doanh nghiệp, và phải có sự tham gia có trách nhiệm, tích cực trước hết vì lợi ích của chính mình của cả 3 chủ thể. Đặc biệt, đầu tư có trách nhiệm, có năng lực sẽ là công cụ tốt nhất để khi sàng lọc của thị trường nâng lên sẽ giảm thiểu sự can thiệp chính sách của Chính phủ.
Với bản thân doanh nghiệp, ông Hiếu chia sẻ cần kinh doanh trung thực với khách hàng, với nhà đầu tư và minh bạch vì lợi ích của chính mình.