#kỷ nguyên mới

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, doanh nghiệp nói gì?

Bộ Tài chính đang đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành xin giãn thời gian thực hiện.

Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Theo thông tin, Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở nước ta vẫn giữ mức cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Vẫn còn 42,3% nam giới hút thuốc (số liệu năm 2020).

Về rượu, bia, việc sử dụng bia, rượu ở nước ta vẫn ở mức cao và xu hướng tăng nhanh. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49.

Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của WHO, con số này mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85%.

Chính vì thế, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 mặt hàng này. Việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) nhằm hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng là cần thiết; từ đó đảm bảo an toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước.

Doanh nghiệp xin lùi thời gian đánh thuế từ 1-1,5 năm

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc đảm bảo nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế là cần thiết nhưng có thể giãn tiến độ trong bối cảnh này.

Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng năm mấy năm qua, ngành đồ uống liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp ngành đồ uống chưa hồi phục sau gần 3 năm chịu tác động từ dịch bệnh. Lợi nhuận được dự báo chưa cải thiện do giá của các nguyên vật liệu đầu vào (malt, xăng dầu, vỏ lon) tăng ít nhất 20%; xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.

Giá đầu vào sản xuất tăng nhưng các doanh nghiệp ngành đồ uống cố gắng duy trì, không tăng giá bán. Việc tăng thuế trong giai đoạn phục hồi này sẽ khiến khó khăn của họ trầm trọng hơn.

Do vậy, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội VBA đều mong muốn ổn định các chính sách thuế, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị lùi thời gian thêm việc đánh thuế từ 1-1,5 năm.

Thắt chặt rượu thủ công: vừa thu được thuế, vừa kiểm soát tốt chất lượng

Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Trung Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ Uống Mới - đơn vị sản xuất một số sản phẩm rượu như Vodka Sói - rượu Sung cho biết: Có hai lý do để các cơ quan quản lý tính đến câu chuyên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Thứ nhất là tăng thu ngân sách, thứ hai hạn chế người sử dụng bia rượu. Ông Mạnh cho rằng, nếu tăng thuế vì lý do tăng thu ngân sách thì phải tách bia và rượu ra riêng biệt vì thực tế mấy năm nay, ngành bia còn phát triển và có lãi. Ngành rượu do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid - 19 và chính sách siết chặt kiểm soát nồng độ cồn nên gần như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu đều rất khó khăn, thậm chí lỗ vốn.

Bên cạnh đó, ông Lê Trung Mạnh cho rằng, nếu tăng thuế vì lý do hạn chế người sử dụng bia rượu thì phải có giải pháp đồng bộ, nhất là đối với rượu thủ công. Thứ nhất phải đảm bảo tất cả các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường đều phải được kiểm soát, được dán tem thuế (nhất là rượu sản xuất thủ công) thông qua xây dựng các quy định cụ thể, khả thi và hoạt động giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng như cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, y tế... Bên cạnh đó, cần kết hợp truyền thông, tuyên truyền mạnh về tác hại của việc sử dụng rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc.

Về sản lượng tiêu thụ rượu thủ công trên thị trường, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.

thue-ruou-bia-pld-1677744235.jpg
Khoảng 70% lượng rượu thủ công do dân tự nấu làm thất thu về thuế khoảng 751,582 triệu USD

Tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả…).

Con số thiệt hại về thuế trên không hề nhỏ. Chính vì thế, các doanh nghiệp sản xuất rượu chân chính đều cho rằng nhà nước cần siết chặt quản lý rượu thủ công. Việc siết chặt quản lý này vừa giúp giảm thất thu thuế cho nhà nước, vừa kiểm soát tốt được chất lượng rượu trên thị trường.