Hơn 61.000 tỷ đồng “đắp chiếu” trong kho
Mùa báo cáo quý 2/2023 đã đi đến hồi kết, bức tranh tài chính của ngành thép gần như đã lộ diện toàn bộ. Đáng chú ý, con số tồn kho hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn được nhắc đến trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Sau quý đầu năm tăng nhẹ, tồn kho toàn ngành thép đã quay đầu sụt giảm khá mạnh trong quý 2 vừa qua. Theo thống kê, tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/6 ước tính giảm 7.000 tỷ đồng so với cuối quý 1 đầu năm, xuống còn khoảng 61.000 tỷ đồng.
Con số trên tương đương với giá trị tồn kho toàn ngành tại thời điểm cuối quý 1/2021 và là mức thấp nhất trong vòng 9 quý trở lại đây. Nếu so với mức đỉnh một năm trước, tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đã giảm khoảng 50.000 tỷ đồng.
Thực tế, sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý 2/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong thời gian qua. Trong đó, Hòa Phát, Thép Nam Kim và Hoa Sen là 3 doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm mạnh nhất với giá trị lần lượt 2.300 tỷ đồng, 1.250 tỷ đồng và 1.150 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, hàng tồn kho của Hòa Phát ở mức 32.261 tỷ đồng, giảm 7% so với thời điểm cuối quý đầu năm và thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 46%, thành phẩm chiếm hơn 24%, còn lại là công cụ dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi bán, và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tại thời điểm 30/6 của doanh nghiệp này chỉ chưa đến 260 tỷ đồng trong khi con số cuối năm ngoái lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
Hòa Phát hiện tại vẫn chưa chạy hết công suất của các nhà máy thép. Cụ thể, sau khi mở lại 3 lò cao trong quý 2 vừa qua, Hòa Phát đang xem xét khởi động lò cao còn lại tại Khu Liên hợp Dung Quất và sẽ vận hành đủ 7 lò cao vào quý 3/2023.
Trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu thiếu ổn định, nhà sản xuất thép này đã duy trì số ngày hàng tồn trong kho thấp ở tất cả các kho từ nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm. Nhờ đó, số ngày tồn kho nguyên nhiên liệu kỳ này là 65 ngày và thành phẩm là 46 ngày, giảm nhẹ so với quý 1 trước đó, làm tổng số ngày hàng tồn kho giảm còn 118 ngày, từ 172 ngày của cùng kỳ.
Với Nam Kim, lượng tồn kho ghi nhận tại thời điểm cuối quý 2/2023 của doanh nghiệp này còn khoảng 5.380 tỷ đồng, giảm gần 27% so với hồi đầu năm. Trong đó, lớn nhất là tồn kho thành phẩm với hơn 3.100 tỷ đồng. Lượng tồn kho giảm mạnh nhưng Nam Kim phải trích dự phòng gần 160 tỷ đồng.
Tương tự, lượng tồn kho của Hoa Sen cũng chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuối quý 2 năm ngoái và giảm 10% so với cuối quý 1/2023, ở mức 6.200 tỷ động. Số ngày tồn kho là 79 ngày, giảm mạnh so với 103 ngày của cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ riêng 3 “ông lớn” đầu ngành, hàng tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép như VNSteel, Thép Tiến Lên, Tisco, Thép SMC, Pomina… cũng đều đã giảm mạnh so với thời điểm hồi đầu năm nay.
Xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm là yếu tố chủ yếu giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dự phòng giảm giá tồn kho. Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới.
Tiêu thụ vẫn là bài toán khó chưa có lời giải
Việc các doanh nghiệp thép báo hàng tồn kho với mức dự phòng cao phản ánh đúng thực trạng tình hình của thị trường thép từ đầu năm đến nay. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn đang là một bài toán khó với các nhà sản xuất thép, nhất là khi thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép các loại của cả nước trong tháng 6/2023 đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm hơn 6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.
Lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất vẫn còn chồng chất buộc các nhà máy thép phải hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm mạnh, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng trở nên gay gắt hơn.
VSA cho rằng, việc giá thép quay đầu giảm mạnh là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hiện các dự án dân dụng khởi công ít, dự án cao tốc không đủ tạo cú hích cho thị trường. Khối xây dựng tư nhân cũng tạm thời đang chờ đợi thêm những tín hiệu khác trước khi xuống tiền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng hiện tại, các doanh nghiệp thép đang kỳ vọng các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ nhu cầu thụ sắt thép trong nước phục hồi.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vào cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215.000 tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch đề ra. Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 27,75%; số tiền tuyệt đối đến nay đã cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 65.000 tỷ đồng.
Theo VSA, đối với lĩnh vực đầu tư công, ngành thép kỳ vọng nhiều hơn vào các dự án xây dựng cầu, cống bởi đây là những công trình tiêu thụ nhiều thép. Còn với những dự án xây đường thì mức hưởng lợi chỉ là “gián tiếp” ở các hạng mục như lan can. Các cấu phần khác lớn hơn như mặt đường thì chủ yếu là nhựa, đất nền, cát còn thép không nhiều