Khi bán xe, chủ phương tiện phải giữ lại biển số và đăng ký rồi nộp cho cơ quan công an. Trong 5 năm sau khi bán xe, nếu người dân mua xe mới thì cơ quan công an sẽ cấp lại số biển số cũ. Trường hợp không mua xe mới thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi số biển số.
Cũng theo Thông tư này, trường hợp duy nhất được bán xe kèm theo biển số là ô tô gắn biển số trúng đấu giá. Đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe không kèm theo biển số trúng đấu giá, chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
Trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi, chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu phương tiện, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi. Nếu quá thời hạn này mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao giấy đăng ký xe, biển số cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì sẽ bị xử phạt.
Nếu không làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số đúng quy định thì chủ xe sẽ bị xử phạt. Mức phạt khi bán xe không nộp lại biển số được áp dụng theo quy định của Nghị định số 100/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, tại điểm e Khoản 5 và điểm c Khoản 7, Điều 30 của Nghị định 100 quy định, phạt tiền từ 400 đến 600 nghìn đồng đối với cá nhân; từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.
Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân; từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số xe.