VnDirect cho biết, theo ban lãnh đạo VPBank, sự phục hồi của FE Credit chậm hơn nhiều so với dự kiến do điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực từ đến nhóm thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 20,4% trong quý 4/2022 (+6,8 điểm % so với cùng kỳ (svck) và +5,4 điểm % so với quý trước). Đồng thời, chi phí dự phòng tăng mạnh 82% svck trong quý 4/2022 và 23% svck trong 2022.
Tính cả năm 2022, FE Credit ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3.000 tỷ đồng.
Với bối cảnh vĩ mô vẫn đầy thách thức, VnDirect cho rằng 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit, do đó VnDirect dự báo mảng này sẽ lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng trong năm nay trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.
Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit cũng nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022.
Theo ban lãnh đạo, VPBank không đạt kế hoạch kinh doanh do quá trình phục hồi của FE Credit sau Covid chậm hơn nhiều so với dự kiến. Giờ đây, tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản và xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Theo ban lãnh đạo VPBank, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FECredit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động của FE Credit sẽ dần ổn định và có lãi vào quý 3-quý 4/2023.
Sang năm 2024, VnDirect kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.300 tỷ đồng.
Từ khi VPBank đầu tư sang mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit được ví là “gà đẻ trứng vàng” cho nhà băng này. Số liệu cho thấy, trong 5 năm kể từ 2015, FE Credit luôn đóng góp tỷ lệ trên dưới 50% lợi nhuận cho ngân hàng hợp nhất. Vị thế, quy mô của VPBank theo đó cũng tăng lên rất nhanh trên thị trường, trở thành ngân hàng có lợi nhuận nhất nhì nhóm cổ phần tư nhân.
Còn FE Credit dưới sự hậu thuẫn mạnh của VPBank cũng đã trở thành công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam với thị phần trong tay tới hơn 50%.
Giai đoạn 2017-2019, lợi nhuận mà công ty này mang lại mỗi năm lên tới 4.000-4.500 tỷ đồng. Năm 2020, chịu ảnh hưởng bởi Covid -19, song công ty này vẫn lãi trước thuế hơn 3.700 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit là 66.000 tỷ đồng.
Trước 1 ngày diễn ra đại hội cổ đông thường niên năm 2021, VPBank bất ngờ công bố lễ ký kết chuyển nhượng 49% vốn Fe Credit cho đối tác SMBC - một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Đến tháng 10/2021, VPBank chính thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 49% vốn của công ty con Fe Credit cho SMBC và 1% cho nhà đầu tư trong nước khác. Sau chuyển nhượng, VPBank còn giữ 50% vốn đồng thời FE Credit sẽ đổi tên thành VPBank SMBC.
Đến quý 1/2022, FE Credit ghi nhận sự hồi phục tích cực sau tác động của đại dịch Covid-19, với lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, được đánh giá là vượt cả năm 2021.
Sau 6 tháng đầu năm 2022, FE Credid ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 130 tỷ đồng, giảm tới 89% so với cùng kỳ và đến hết năm 2022, con số lỗ ghi nhận là 3.000 tỷ đồng.
Từng được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, lợi nhuận vài nghìn tỷ mỗi năm, FE Credit lỗ nặng trong năm 2022, nhất là sau thời gian ngắn 49% vốn điều lệ về tay một “ông lớn” của Nhật Bản, đặt ra câu hỏi lớn liệu miếng bánh cho vay tiêu dùng có còn béo bở?