Băn khoăn đề xuất kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe

Các chuyên gia cho rằng, đối với lĩnh vực giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, yếu tố an toàn là vô cùng quan trọng, ngành đường sắt không thể vì khó khăn kinh tế mà để mất an toàn…
bo-gtvt-de-xuat-cho-phep-cac-phuong-tien-duong-sat-pld-1688981374.jpg
Bộ GTVT đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030. Ảnh: K.N

Theo đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định mới liên quan đến quy định về niên hạn đầu máy toa xe đường sắt. Theo Nghị định số 65/2018, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện, bắt đầu thực hiện từ năm 2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động vận tải đường sắt bị đình trệ, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt VN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2022, điều chỉnh lộ trình niên hạn của phương tiện đường sắt bắt đầu áp dụng từ ngày 31/12/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất cho phép các phương tiện đường sắt hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2030 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030. Đề xuất này nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện không bố trí được nguồn vốn đầu tư. Vì vậy cần tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt có niên hạn sử dụng vượt quá quy định hiện hành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.

Hơn nữa, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, toàn bộ các đầu máy, toa xe đang có hiện tại của các doanh nghiệp đường sắt sẽ phải dừng hoạt động và thay thế mới toàn bộ trước năm 2050. Như vậy, nếu đầu tư mới, thời gian sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt tối đa là 27 năm (thấp hơn niên hạn sử dụng phương tiện) sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, theo kế hoạch xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), tháng 10/2025 sẽ trình dự thảo để Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2027. Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017, trong đó có định hướng sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

“Vì vậy, thời gian đề xuất kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đến 2030 khi Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành được 3 năm để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có thời gian thích ứng với quy định mới”, Bộ GTVT cho hay.

chuyen-gia-cho-rang-nganh-duong-sat-pld-1688981374.jpg
Chuyên gia cho rằng, ngành đường sắt không thể vì khó khăn kinh tế mà để mất an toàn. Ảnh: K.N

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, GS.TS Phạm Minh Tuấn (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: Vấn đề kéo dài niên hạn khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực như phương tiện quân sự, công trình xây dựng, công trình giao thông… Với đường sắt, minh chứng là báo cáo đánh giá khẳng định đầu máy D9E do Mỹ chế tạo năm 1963, đã sử dụng trên 60 năm nhưng vẫn khai thác tốt, đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong trường hợp được phép kéo dài niên hạn, đường sắt cần bổ sung các trang thiết bị công nghệ như hệ thống cảnh báo giám sát an toàn…

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia giao thông TS.Nguyễn Hữu Đức cho rằng, niên hạn sử dụng đối với đường sắt đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp quy hiện hành, đó là Luật Đường sắt năm 2017 và Nghị định 65/2018 của Chính phủ (mới nhất là Nghị định 01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65). Vị chuyên gia cho rằng, ngành đường sắt phải đảm bảo an toàn, cả hai yếu tố chấp hành pháp luật và đảm bảo an toàn đều quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn phải là thượng tôn pháp luật.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, đối với lĩnh vực giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, yếu tố an toàn là vô cùng quan trọng, chuyên gia kinh tế này cho rằng, ngành đường sắt không thể vì khó khăn kinh tế mà để mất an toàn. Bởi một khi mất an toàn xảy ra, tai nạn xảy ra, hệ lụy mà chính ngành đường sắt phải chịu là rất lớn.