Với chức năng là “người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”, báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ không chỉ kịp thời truyền tải những chỉ thị, mệnh lệnh; động viên, cổ vũ các lực lượng tham gia chiến dịch; góp phần vào thành công của công tác binh địch vận ở mặt trận... mà còn kịp thời truyền tải những thông tin chiến sự nóng hổi đến mọi miền Tổ quốc; góp phần củng cố lòng tin, động viên quân và dân cả nước phát huy tối đa vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến.
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã hình thành nên một “binh chủng” khá đặc biệt - “binh chủng báo chí”. Không giống như các chiến dịch trước đó, mọi hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều do cơ quan Tuyên huấn của Mặt trận điều phối và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là chiến dịch đầu tiên xuất bản tờ báo ở mặt trận - tờ Quân đội nhân dân. Tổ chức và hoạt động của báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ là một hiện tượng khá đặc biệt. Tính chất “đặc biệt” đó được thể hiện ở một số điểm sau:
1. Báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ đã quy tụ được một lực lượng lớn “cây bút” đến từ nhiều cơ quan, ngành nghề khác nhau hình thành nên một “binh chủng đặc biệt” - binh chủng báo chí: Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, dài ngày và ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời cũng là chiến dịch có sự tham gia của đội ngũ những người làm báo đông đảo nhất và hoạt động báo chí cũng sôi động nhất. Mặt trận Điện Biên Phủ không chỉ là một trường học tôi luyện bản lĩnh, ý chí, sức bền; mà còn là nơi thể hiện sinh động chức năng, nhiệm vụ của nhà báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Ngay từ trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, trong Chỉ thị về công tác tuyên truyền (trong đó có báo chí) Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã chỉ rõ: Nhiệm vụ của công tác tuyên truyền là phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch; làm cho những nhận định và chủ trương của Trung ương, Tổng Quân ủy biến thành nhận thức và quyết tâm của quần chúng để có thể bảo đảm mọi nhiệm vụ được thành công...
Thấu triệt tinh thần đó, nhiều phóng viên báo chí được lựa chọn và cử lên Mặt trận Điện Biên Phủ. Họ không chỉ là những phóng viên chiến trường giỏi, mà còn là những người làm báo đa năng. Họ cùng phóng viên của các tờ tin cấp đại đoàn, trung đoàn... và cả những văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên huấn của các cơ quan, đơn vị hình thành nên một “binh chủng báo chí” hùng hậu tác nghiệp ngay tại mặt trận.
Tuy đội ngũ phóng viên báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ đến từ nhiều cơ quan, nhiều ngành khác nhau nhưng đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Viết báo và làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ dù chuyên hay không chuyên đều phải luôn nhanh nhạy và sáng tạo. Để có được một mẩu tin hay bài phóng sự họ đều phải tự mình xoay xở lo từ “A” đến “Z”, lo bám sát các mũi, các đơn vị, lo nghĩ đề tài...
Có thể nói, những người làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ ngoài sự chịu đựng, thử thách khắc nghiệt của chiến trận, chiến đấu như những người lính, họ còn phải lăn lộn, hòa mình vào cuộc sống của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, để cảm nhận được hơi thở của chiến trường, kịp thời cho ra những bài viết đầy sức lay động và lan tỏa, cổ vũ quân, dân ở hậu phương cả nước dốc sức, dốc lòng cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
2. Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ta tổ chức tòa soạn và xuất bản tờ báo mặt trận: Do tính chất đặc biệt của chiến dịch Điện Biên Phủ nên trước khi mở màn chiến dịch, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Biên tập báo Quân đội nhân dân đã thành lập Ban Biên tập Tiền phương và hình thành “bộ khung” Tòa soạn báo mặt trận.
Gọi là Tòa soạn nhưng thực ra chỉ là năm người; họ vừa là người lính, vừa là phóng viên, biên tập viên và kiêm cả nhân viên hành chính, trị sự. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, mọi khó khăn, trở ngại từng bước được giải quyết. Tờ Báo Quân đội nhân dân ở mặt trận đã “trình làng” đúng hẹn và nhanh chóng trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Sự hiện diện đã tạo nên một dấu ấn khá đặc biệt trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng là một hiện tượng “độc nhất, vô nhị” của báo chí thế giới đương đại.
Ngày 28/12/1953, tờ Quân đội nhân dân ở mặt trận ra số đầu tiên. Trong thời gian tồn tại ở thung lũng Mường Phăng, Báo xuất bản ở Mặt trận ra được 33 số, trong đó có 15 số xuất bản trước ngày mở màn chiến dịch (13/3/1954).