Tạm giữ đối tượng mua bán trái phép hơn 18.000 tài khoản ngân hàng
Công an thành phố Nam Định đang tạm giữ đối tượng Đoàn Trắc Tuyên (SN 1989, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi “Tàng trữ, mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Theo hồ sơ, Tuyên đang chấp hành bản án 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Mua, bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Công an thành phố Nam Định đã niêm phong, thu giữ của đối tượng 11 case máy tính, 5 màn hình vi tính, 13 máy đọc thẻ sim loại 32 cổng có kết nối với máy tính, 35 chiếc điện thoại các loại, và 18.016 thẻ sim điện thoại của các nhà mạng.
Cơ quan điều tra xác định, Đoàn Trắc Tuyên tham gia nhiều hội nhóm trên facebook, thường xuyên đăng các bài viết với nội dung mua, bán tài khoản ngân hàng với giá 50.000 đồng/tài khoản.
Theo điều tra viên, các đối tượng phạm tội thường sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để thực hiện và che giấu hành vi vi phạm pháp luật, thường gặp nhất là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Trong trường hợp hơn 18.000 tài khoản ngân hàng thu giữ của Đoàn Trắc Tuyên được bán cho các đối tượng phạm tội sẽ gây thiệt hại lớn về tài chính cho các nạn nhân, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Tài khoản ngân hàng là gì? Các loại tài khoản ngân hàng?
Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Vì vậy, người dân cần phải hiểu thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng, nắm rõ quy định của pháp luật để tránh vô tình trở thành tội phạm.
Tài khoản ngân hàng là tài sản do Ngân hàng cung cấp cho khách hàng dưới dạng một dãy số nhằm mục đích gửi tiền vào để thực hiện các giao dịch tài chính với 2 mục đích chính là thanh toán và tiết kiệm. Mỗi cá nhân có thể có nhiều tài khoản ngân hàng.
Hiện nay có hai loại tài khoản ngân hàng thông dụng được sử dụng nhiều là tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm.
Tài khoản thanh toán
Tài khoản thanh toán là tài khoản khách hàng dùng để gửi tiền vào, sau đó, mặc định ủy quyền quản lý cho ngân hàng hoặc yêu cầu ngân hàng thanh toán các hóa đơn dịch vụ, chuyển rút tiền… Thông thường, loại tài khoản này được sử dụng để nhận lương, hoặc giao dịch kinh doanh…
Tiền gửi trong tài khoản thanh toán nếu chưa sử dụng đều được ngân hàng trả lãi suất định kỳ. Trong đó, lãi suất được áp dụng là lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn.
Tài khoản tiết kiệm:
Tài khoản tiết kiệm là tài khoản mà khách hàng gửi tiền vào để đầu tư sinh lời. Tiền lời này khách hàng có thể nhận ngay khi gửi hoặc nhận định kỳ theo thỏa thuận. Tài khoản tiết kiệm có thể được chia ra nhiều hạn mức và không giới hạn số lượng đăng ký mở.
Thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?
Nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân tăng lên dẫn đến hiện tượng trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng để trục lợi diễn ra ngày càng nhiều.
Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng được biểu hiện ở việc các bên thu thập, thỏa thuận trao đổi thông tin với nhau. Theo đó, bên bán cung cấp thông tin số tài khoản mà mình có được thu được từ nhiều nguồn cho bên mua và được thanh toán bằng tiền hay hiện vật khác nhằm thu lợi bất chính hoặc các mục đích khác trái pháp luật.
Hầu hết các đối tượng mua lại thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để lợi dụng lòng tin thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.
Mức xử phạt hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng
Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng nhằm thu lợi bất chính được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, luật pháp nước ta có những quy định cụ thể về xử phạt dành cho loại hành vi này.
Xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định:
“5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
…
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;
…”
Như vậy, hành vi liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng như cho thuê, mượn, mua, bán,… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, đồng thời nộp lại vào ngân sách nhà nước số lợi bất chính có được từ những hành vi này.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 quy định chi tiết về "Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng". Trong đó, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Chi tiết Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cho thuê tài khoản ngân hàng cũng có thể bị xử phạt
Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.
Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập internet banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ quy định, phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.
Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Điều này được quy định rất rõ trong Điều 291 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Cần làm gì để tránh trở thành nạn nhân?
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân có thể áp dụng 4 biện pháp phòng ngừa: Cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình; Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai, đặc biệt qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội.
Bên cạnh đó, cần tỉnh táo trước lời đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến việc thuê, bán tài khoản ngân hàng vì những đề nghị này thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo. Người dùng nên kiểm tra định kỳ, theo dõi sát sao giao dịch trong tài khoản ngân hàng; Sử dụng các dịch vụ bảo mật do ngân hàng cung cấp như thông báo về các giao dịch bất thường.
Các giao dịch trực tuyến cần thiết phải được nhận biết bằng sinh trắc học. Nếu người dân nếu phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào liên quan đến tài khoản ngân hàng của mình, cần thiết phải báo ngay cho ngân hàng và cơ quan chức năng để được kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả.