Bất động sản Hội An - Điện Bàn: Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít

Sự phát triển của ngành du lịch tại phố cổ Hội An là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Song đi kèm với sự phát triển đó, thị trường bất động sản nơi đây vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

hoi-an-1-1663300779.jpg

Một dự án bất động sản nằm bên cạnh Làng rau Trà Quế, thành phố Hội An Ảnh: Lê Phước Bình

Nhiều cơ hội

Nằm ở vị trí đắc địa cửa ngõ di chuyển từ Đà Nẵng vào đô thị di sản Hội An, thị trường bất động sản khu vực Điện Bàn – Hội An có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn bộ khu vực ven biển Điện Bàn – Hội An đã thu hút tổng cộng khoảng 63 dự án.

Trong đó có 32 dự án du lịch gồm thị xã Điện Bàn 15 dự án và thành phố Hội An 17 dự án. Bên cạnh đó là 21 dự án các khu công viên, bãi tắm và chức năng hỗn hợp và 10 dự án các khu dân cư tái định cư.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, tổng quy mô diện tích các dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khoảng 1.288,5ha/1.586,6ha, chiếm khoảng 81% tổng diện tích ranh giới đồ án.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích đồ án đã được phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời đã thu hút đủ các dự án với nhiều loại hình đảm bảo phù hợp theo hồ sơ quy hoạch chung được duyệt, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, phần lớn các dự án thuộc thành phố Hội An và phía Đông đường 603B thuộc thị xã Điện Bàn đã đưa vào hoạt động, đã phát huy các giá trị, lợi thế khu vực ven biển và hình thành vệt phát triển du lịch theo định hướng quy hoạch du lịch năm 2003 và các quy hoạch khác có liên quan.

Ngoài khu vực ven biển nêu trên, nhiều khu vực khác tại Hội An, Điện Bàn cũng đã và đang triển khai nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị. Theo đó, các dự án này tập trung chủ yếu tại khu vực thị xã Điện bàn và chỉ một số ít là triển khai trên địa bàn thành phố Hội An

Cụ thể, thành phố Hội An có khu đô thị Võng Nhi quy mô 15,6ha, khu đô thị dịch vụ Đồng Nà quy mô 6,4ha, khu dân cư Đông Bắc thành phố Hội An (giai đoạn 2) quy mô 7,83ha, khu dân cư Nhị Trưng – Cồn Thu quy mô 9,7ha, khu dân cư khối Lam Sa – Tu Lễ - Xuân Hòa quy mô 18,5ha, khu dân cư đường Điện Biên Phủ nối dài quy mô 19ha, khu đô thị Cồn Tiến quy mô 31ha; khu đô thị Thanh Hà (giai đoạn 1,2,3).

Trong khi đó, tại thị xã Điện Bàn có hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai rầm rộ.

Trong đó, chỉ tính riêng khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) nằm giữa TP. Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An hiện có 74 dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số đó, có 10 dự án đã hoàn thành; 2 dự án cơ bản hoàn thành; 56 dự án đang triển khai thực hiện.

 

thanh-pho-123-1663300804.jpg

Những dấu vết sạt lở bờ biển Hội An trong mùa mưa bão năm 2021 vẫn còn đang lưu lại (ảnh chụp ngày 12/9/2022) Ảnh: Lê Phước Bình

Thách thức đối với các dự án ven biển

Bên cạnh những cơ hội phát triển nêu trên, thị trường bất động sản khu vực ven biển Điện Bàn – Hội An vẫn đang đối diện với nhiều vướng mắc có liên quan.

Tại Công văn số 5570/UBND-KTN, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho biết những vướng mắc trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án ven biển.

Theo đó, một số dự án thuộc vệt ven biển thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An đang gặp các vướng mắc liên quan đến yêu cầu đánh giá sự phù hợp của quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án với hồ sơ quy hoạch phân khu của khu vực.

Cụ thể là ý kiến của Cục Quản lý hoạt động Xây dựng - Bộ Xây dựng về việc thông báo tạm dừng thẩm định các hồ sơ thiết kế dự án, trong đó có lý do “quy hoạch chi tiết 1/500 dự án không căn cứ hồ sơ quy hoạch phân khu”.

Để giải quyết vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, thống nhất quản lý hồ sơ Quy hoạch chung khu vực ven biển từ huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) đến thành phố Hội An tỷ lệ 1/5.000 theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 20/02/2013 tương đương với hồ sơ quy hoạch phân khu theo quy định hiện nay và được sử dụng làm căn cứ triển khai các dự án đầu tư tại khu vực này.

Trong giai đoạn tới, khi các hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An và điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn được duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo tiếp tục triển khai, hoàn thành các phân khu đảm bảo theo đúng Luật định, đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch.

khach-san-123-1663300831.jpg

Một khu resort ven biển Hội An đang bị bỏ hoang Ảnh: Lê Phước Bình

Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, các dự án bất động sản ven biển Hội An – Điện Bàn cũng đang đối mặt với thách thức về tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra liên tục trong nhiều năm qua.

Trong mùa mưa bão, nhiều chủ đầu tư resort ven biển đang lo lắng cho tình trạng sạt lở bờ biển. Trong khi đó, dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp hiện vẫn đang trong giai đoạn xúc tiến thủ tục pháp lý đầu tư.

Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp, có tổng vốn 1.128 tỉ đồng với thời gian thực hiện dự án trong 6 năm, từ năm 2019 – 2024.

Trong quá trình triển khai bước chuẩn bị đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi (FS), Báo cáo Chính sách an toàn Môi trường – xã hội (CSAT) đã hoàn thành từ tháng 3/2021. Tuy nhiên, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) chưa tuyển chọn được tư vấn thẩm tra dự án.

Đến tháng 03/2022, AFD mới tuyển được tư vấn thẩm tra dự án, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm tra, phê duyệt dự án và ký kết Hiệp định trong tháng 12/2022.

Theo Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời gian kết thúc dự án là năm 2024. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan dẫn đến quá trình thẩm tra, phê duyệt FS chậm hơn so với kế hoạch ban đầu, thời gian còn lại không đảm bảo để triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án.

Do đó, để đảm bảo dự án được triển khai thực hiện đạt các kết quả chủ yếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên thuộc HĐND tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, do dự án liên quan đến cơ chế tài chính đối với nguồn vốn ODA Nhà nước cấp phát 50% cho tỉnh Quảng Nam, nên mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét có ý kiến, làm cơ sở Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026. Theo đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư là từ năm 2019-2022 và thực hiện đầu tư là từ năm 2023-2026.