Dự án này do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu GEF hỗ trợ và Hiệp hội Thủy sản là đơn vị chủ trì thực hiện với mục đích nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ đa dạng sinh học của vùng biển ven bờ Vịnh Quy Nhơn gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2021.
Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá những kết quả đạt được của dự án sau hơn 2 năm hoạt động và bàn giải pháp duy trì kết quả đồng quản lý rạn san hô tại 4 xã/phường ven Vịnh Quy Nhơn, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao những kết quả đạt được từ dự án. Qua 2 năm hoạt động dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra: Có 4 tổ chức cộng đồng (TCCĐ) đã được công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích xác định theo Luật Thủy sản 2017 với tổng diện tích là 46,134 ha và có 220 thành viên tham gia tổ chức cộng đồng;
Thành lập được 4 Quỹ cộng đồng nhằm duy trì sự hoạt động tổ chức cộng đồng trên cơ sở huy động đóng góp từ cộng đồng, từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản; Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác dịch vụ thủy sản kết hợp dịch vụ công ích được củng cố tổ chức, duy trì hoạt động, trở thành nòng cốt của TCCĐ trong cải thiện cảnh quan, môi trường.
Trên cơ sở đạt được những mục tiêu đề ra, dự án có những tác động đáng kể đến tất cả các mặt về môi trường, kinh tế về chính sách và xã hội. Về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và môi trường: Độ phủ san hô được duy trì (Bãi Dứa –Nhơn Lý với độ phủ trên 75%) và có dấu hiệu phục hồi (Nhơn châu, Ghềnh Ráng); rùa biển lên làm tổ đẻ trứng (Nhơn Hải: 5 ổ trứng/2021). Cộng đồng tích cực chung tay vệ sinh môi trường (doanh nghiệp, dân);
Về kinh tế và sinh kế: 500 hộ dân hưởng lợi từ dịch vụ du lịch và khai thác thủy sản tại 4 khu vực biển được giao cho TCCĐ quản lý và vùng biển lân cận. Sự phục hồi và phát tán nguồn lợi thủy sản;
Về chính sách: Đưa Luật Thủy sản 2017 vào thực tiễn, chính quyền nắm được và đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản và cộng đồng ngư dân trong hoạt đồng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Về xã hội: Nhận thức của cộng đồng tăng lên. Thành viên của TCCĐ và người dân chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường ngay cả khi không có sự hỗ trợ của dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các TCCĐ cần duy trì và phát triển về mọi mặt: nhận thức, năng lực, kỹ năng hoạt động của tổ/ nhóm; mở rộng qui mô về số lượng thành viên tham gia; cần thực hiện đúng phương án, quy chế hoạt quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực khoanh vùng đã được phê duyệt; thường xuyên rà soát, bổ sung sửa đổi phương án và quy chế cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; tiếp tục tuyên truyền cộng đồng ngư dân các xã phường ven biển chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các hệ sinh thái và giữ cho môi trường xanh, xạch, đẹp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia của Quỹ Môi trường toàn cầu, trong thời gian tới địa phương cần duy trì và phát triển những mô hình du lịch sinh thái bền vững, các mô hình OCOP du lịch, cần thu hút thêm các doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp với việc quản lý rác thải cùng với các dự án quản lý rác tại Vịnh Quy Nhơn; nhân rộng mô hình đồng quản lý ở các huyện khác. Các TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần phát huy hoạt động và huy động sự tham gia các thành phần kinh thế khác tại địa phương.