Bộ Công an: Mỗi lần trừ điểm giấy phép lái xe như "tiếng chuông" cảnh báo

Theo Bộ Công an, mỗi lần bị trừ điểm giấy phép lái xe như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

gp-1708522100662239174020-0-47-366-633-crop-17085221163911563312661-1-1708569854.jpg

 

Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. 

Trong đó, Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) vào dự thảo luật.

Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự thảo luật là cần thiết 

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của GPLX.

 Tuy nhiên, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định điểm, trừ điểm của GPLX vào dự thảo Luật, Bộ Công an thấy rằng việc quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết.

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. 

Vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét (trung bình hàng năm lực lượng CSGT xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng GPLX trên 500.000 trường hợp). Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao. 

Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Hiện nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi. Không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp GPLX nhưng không đủ tự tin để lái ô tô ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là các quy tắc tham gia giao thông. 

Việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe.

Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp GPLX. Khi bị tước GPLX, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân. 

Việc tước GPLX đang thực hiện thủ công. Nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

Trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe, vừa có tính chất giáo dục

Theo Bộ Công an, điểm, trừ điểm GPLX được quy định trong dự thảo Luật là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mỗi lần bị trừ điểm như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.

Người lái xe vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm GPLX và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

 GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. 

Qua đó, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm. Từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.