Trong báo cáo thị trường mới đây, Bộ Xây dựng cho biết tình hình triển khai dự án nhà ở xã hội trên cả nước vẫn chậm.
Trong quý 3, theo báo cáo của các địa phương về kết quả thực hiện Đề án một triệu căn nhà ở xã hội: trên địa bàn cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn.
Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 04 dự án với quy mô 2.084 căn; một số dự án làm lễ động thổ như dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành (TP.HCM) với quy mô gần 1.500 căn; dự án nhà ở an sinh xã hội – khu 6 Vietsing (Bình Dương) của Tổng Công ty đầu tư và phát triển CN – CTCP, 1867 căn; Dự án nhà ở xã hội KT Home – Công ty CP địa ốc Kim Thi, (Nghệ An) quy mô 523 căn chung cư, 23 căn liền kề.
Tính cả giai đoạn từ 2021 đến nay, cả nước có 79 dự án hoàn thành với hơn 42.400 căn, đạt khoảng 10% chỉ tiêu đến năm 2025 trong đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội. Ngoài ra, 131 dự án đã khởi công, dự kiến cung ứng gần 112.000 căn.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng, nâng tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói vay này vẫn rất thấp, gần 1,5%, tức khoảng 1.783 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.633 tỷ cho chủ đầu tư tại 15 dự án, còn lại là người mua nhà.
Theo đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết "khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024" tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024.
Sáng 28/10 vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết 2023.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho hay về phát triển nhà ở xã hội, vừa qua có một vấn đề quan trọng nổi lên, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi chưa đúng, không đúng.
Theo bà Nga có một thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có những người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này; không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp.
Thậm chí có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội, chắc chắn rằng sẽ có người không đúng đối tượng ưu đãi.
Bà Nga cho biết thực trạng trên có nhiều nguyên nhân như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội; có việc “lách luật” để mua đi, bán lại nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng nhà ở xã hội.