Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản rất quan trọng, liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương. Việc tổ chức các cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc để các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp… góp ý trực tiếp, hoàn thiện theo quy trình chặt chẽ nhất để khi ban hành nghị định không để xảy ra vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực thi luật.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với những quy định, chính sách mới, đột phá, còn ý kiến khác nhau khi soạn thảo.
Bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê phải nộp tiền sử dụng đất
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 78 điều nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Nghị định kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả, đồng thời thể chế hoá những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Các đại biểu đã thảo luận, đồng thuận với quy định nộp tiền sử dụng đất được tính tại thời điểm chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; người mua nhà ở xã hội là căn hộ chung cư sau 5 năm được bán và không phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, với quy định trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ (được xây dựng tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) phải nộp tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, tính toán, quy định cụ thể bảo đảm quyền lợi của bà con đồng bào dân tộc tộc thiểu số, người dân ở vùng khó khăn.
Đối với các nội dung liên quan đến phát triển nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, các đại biểu kiến nghị cho phép chủ đầu tư được đề xuất hình thức thực hiện là dành một phần diện tích, bố trí quỹ đất thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội với tỉ lệ tối thiểu là 20%.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị ghi rõ số tiền chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp vào ngân sách tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội chỉ sử dụng để phát triển nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú kiến nghị bổ sung nội dung khuyến khích chủ đầu tư nhà ở thương mại trong dự án phát triển đô thị, dành kinh phí đầu tư xây nhà ở xã hội tại quỹ đất được bố trí thay vì nộp tiền vào ngân sách.
Về quy định các giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị không quy định riêng nhằm bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Đơn giản hoá thủ tục xây, cho thuê, mua nhà ở xã hội
Các nội dung khác nhận được các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ thêm về chính sách tín dụng ưu đãi, diện tích, hệ số sử dụng đất tối thiểu đối với nhà ở xã hội riêng lẻ; quy định thêm trách nhiệm thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước đối với nghĩa vụ xây nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại; xem xét lại quy định bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp để làm nhà lưu trú cho công nhân…
Kết luận một số nội dung quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…