Ngày 26/2, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp, Canada, Italy và Ủy ban châu Âu nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Đây là loạt biện pháp trừng phạt thứ 3 và cũng là mạnh nhất nhằm vào Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
SSWIFT thành lập năm 1973 để thay thế điện tín. SWIFT có vai trò thiết yếu và là xương sống của hệ thống chuyển giao tài chính quốc tế. Hiện nay, hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia đang sử dụng hệ thống của SWIFT.
Theo Hiệp hội quốc gia Rosswift, Nga là quốc gia lớn thứ hai sau Mỹ về số lượng người dùng, với khoảng 300 tổ chức tài chính Nga thuộc hệ thống này. Hơn một nửa các tổ chức tài chính của Nga là thành viên của SWIFT.
Ngoài ra, theo Chính phủ Đức, các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rúp của Ngân hàng trung ương Nga và chấm dứt chương trình “hộ chiếu vàng” dành cho những người Nga giàu có và gia đình của họ, đồng thời sẽ nhằm vào các cá nhân và tổ chức ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của nước này cho Ukraine. Người phát ngôn Chính phủ Đức khẳng định, các nước phương Tây sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết, họ đang chuyển tên lửa và súng trường để hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine. Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo một số thiết bị đã được giao vào ngày 26/2, bao gồm cả súng bắn tỉa và mũ chống đạn.
Viết trên Twitter ngày 27/2, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết Ukraine rất biết ơn về vòng trừng phạt tài chính mới nhất mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga. "Cảm ơn những người bạn của chúng tôi vì cam kết loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT".
Trước đó, ngày 26/2, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev cảnh báo, Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có thể bao gồm việc không tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực và đóng băng các tài sản của phương Tây.
Quan chức này cũng cho biết, các hành động không thân thiện của Mỹ, Liên minh châu Âu và các đồng minh buộc Nga phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với những quốc gia này./.