Cách nào để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2050?

Tại COP26, Việt Nam cùng 146 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. 147 quốc gia này chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu nên cam kết được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát thải ròng bằng “0” là “lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định”. Tiến tới phát thải ròng bằng “0” là chúng ta vẫn có thể phát thải khí nhà kính song phải bù đắp bằng các hoạt động loại bỏ khí nhà kính như trồng rừng hoặc công nghệ thu hồi các-bon.

Xu thế phát thải ròng bằng “0”

Thực tế, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.

b1

 Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Đây là lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Tại COP26, Việt Nam còn tham gia các cam kết khác được xem như những giải pháp để đạt mục tiêu lớn đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Đó là cam kết giảm 30% lượng khí metan vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch.

Hàng loạt các thách thức đặt ra, song chúng ta có cơ sở để thực hiện mục tiêu này. Đó là bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng giảm phát thải. Theo tính toán của Bộ TN&MT, chúng ta có thể giảm 22% lượng khí metan bằng nội lực. Vậy với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mục tiêu giảm 30% khí metan là khả thi. Ngoài ra, hàng loạt các dự án trồng rừng được triển khai trong những năm gần đây đang phát huy hiệu quả. Chúng ta cũng đã ký kết trao đổi tín chỉ các-bon cũng như bước đầu chuẩn bị hình thành thị trường các-bon.

TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu:

“Để hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng “0” thì năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và các nguồn khác cần được phát triển. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng. Đây là một trong các chìa khóa thành công của điện gió, điện mặt trời cho Việt Nam, khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao”.

Bà Phạm Cẩm Nhung, Đại diện WWF tại Việt Nam:

“Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau, Việt Nam phải xây dựng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải”.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam đã phát đi tín hiệu tích cực nhằm thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Chúng ta cần tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, đa phương của Thỏa thuận Paris, thu hút các nguồn lực đầu tư và nỗ lực của chính mình.

Năng lượng sạch và trồng rừng - hai điểm chốt

Để thực hiện việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng đến chấm dứt sử dụng than sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần nỗ lực lớn. Còn bảo vệ, khôi phục và chống suy thoái rừng là lĩnh vực mà chúng ta cần tiếp tục phát huy.

Sở dĩ vấn đề năng lượng được quan tâm hàng đầu bởi hiện nay, năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất ở nước ta. Theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến 2050, 81% lượng phát thải đến từ năng lượng. Vậy năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ở thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” về chuyển đổi năng lượng. Thiên thời là với các cam kết mạnh mẽ tại COP26, các nước như Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được các hỗ trợ tài chính, công nghệ trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Địa lợi là chúng ta có tiềm năng năng lượng tái tạo hàng đầu Đông Nam Á. Tận dụng lợi thế này để phát triển các nguồn điện sạch, không xây thêm điện than mới và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành. Nhân hòa, đó là lãnh đạo có tầm nhìn đột phá khi chọn con đường năng lượng sạch  để kiến tạo sự thịnh vượng cho quốc gia.

Đối với việc bảo vệ, khôi phục, chống suy thoái rừng, chúng ta cần tiếp tục phát huy bởi đây là lĩnh vực quan trọng trong việc tạo dựng thị trường các-bon đang manh nha tại Việt Nam.

Để cập nhật mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2022; Bộ Công Thương chủ trì rà soát Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tầm nhìn 2045; Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sự phù hợp tham gia tuyên bố chấm dứt việc sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu vào năm 2040

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam rất tích cực nghiên cứu thiết lập thị trường các-bon. Vấn đề này đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Bộ TN&MT đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn…

Thực tế trong khoảng một thập kỷ gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết song phương, đa phương với các cơ chế trao đổi tín chỉ bù trù, Cơ chế phát triển sạch (CDM). Cơ chế tín chỉ chung (JMC)… Chúng ta đã xây dựng Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”… Những hoạt động tích cực đó cho phép chúng ta tin tưởng vào việc hình thành một thị trường các-bon đầy tiềm năng.