Chiến lược “kiềng 3 chân” cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời Covid-19

Trong bối cảnh hiện tại, đối mặt với tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng những khó khăn khác như vấn đề thiếu container rỗng, giá cước tàu biển tăng cao hay sự cố của kênh đào Suez… Các doanh nghiệp cần tận dụng các công cụ hỗ trợ để hoạt động xuất nhập khẩu có cơ hội bứt tốc trong thời gian tới.
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu, những chiến lược hội nhập, khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngày 14/5/2021 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phối hợp cùng Chuyên trang Nhịp sống kinh tế Báo Tổ quốc, Kênh thông tin tài chính CafeF và OSB - đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chiến lược "Kiềng 3 chân" cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bứt tốc phát triển thời Covid".

Là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19, bà Hoàng Thị Hương – Trưởng phòng Xuất Nhập Khẩu – Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh nên cước vận tải tăng cao, tạo ra biến động lớn về chi phí nguyên vật liệu. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc kí kết đơn hàng.

Anh 1
Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt chiến lược “kiềng ba chân” để có thể bứt tốc trong đại dịch Covid-19.)

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng thực tế, doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều cơ hội. TS Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung Ương nhận định, năm vừa qua tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Việt Nam nổi lên là nước kiểm soát khủng hoảng vô cùng hiệu quả, được thế giới biết đến nhiều hơn. Bên cạnh đó là những số liệu xuất khẩu ấn tượng.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng năm 2021 xuất siêu đầu 1,29 tỷ USD. Hoạt động xuất, nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Điều này cho thấy, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại, cũng như thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu.

Hiện Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương trong đó có 2 FTA thế hệ mới mới bắt đầu có hiệp lực là CPTPP và EVFTA với nhiều mặt hàng hưởng lợi.

Bởi vậy, ông Tú Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần có chiến lược tập trung vào các mặt hàng mà thế giới cần có trong giai đoạn phục hồi, nhất là mặt hàng về tiêu dùng, nhu yếu phẩm,… hoặc các mặt hàng mà chúng ta có lợi thế như linh kiện điện tử, máy móc,…

Mỗi doanh nghiệp cần tận dụng tốt chiến lược “kiềng 3 chân”, đó là: Nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước/hiệp định kinh tế khu vực; Thay đổi chiến lược bán hàng và tìm kiếm kênh phân phối mới đột phá; Tận dụng, tối ưu hóa các giải pháp tài chính ưu việt để tối ưu nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và bứt tốc về doanh số…

Anh 2
Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu xem những chính sách nào phù hợp với lĩnh vực của mình để có thể áp dụng một cách hiệu quả.)

Việt Nam đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu xem những chính sách nào phù hợp với lĩnh vực của mình để có thể áp dụng một cách hiệu quả. Theo một số nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ chưa có sự quan tâm đúng mức với những chính sách dành cho họ.

Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng MSB cho biết, các ngân hàng cũng đang quan tâm đến vấn đề cấp vốn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ngân hàng MSB đưa ra các gói giải pháp làm sao doanh nghiệp khi bắt đầu xây dựng phương án thu mua nguyên liệu, có thể dựa trên hợp đồng đầu ra, khoản phải thu,… Doanh nghiệp không đủ hoặc chưa đủ tài sản đảm bảo vẫn có thể được cấp vốn để kinh doanh.

Về thủ tục, để vận hành thanh toán xuất nhập khẩu tiện lợi, ngân hàng có đội ngũ chuyên gia để tư vấn, đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý thủ tục với hải quan, thanh toán quốc tế…

Với tư cách đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông Ông Đào Mạnh Khôi – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Thương mại điện tử OSB – Đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam chia sẻ, cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia sàn thương mại điện tử, chẳng hạn gói dịch vụ cho các doanh nghiệp chưa biết về kênh xuất khẩu online.

Một khi tiếp cận được với các sàn thương mại điện tử thì doanh nghiệp có thể thu lại rất nhiều lợi ích như nhận được nhiều đơn hàng, sản xuất ổn định hơn và tăng cơ hội mở rộng thị trường,…