Theo Điều 27 Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính thì quy định về hạn chế cho vay đối với công ty chứng khoán bao gồm:
1. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Chứng khoán, công ty chứng khoán không được cho vay tiền, chứng khoán dưới mọi hình thức.
2. Công ty chứng khoán không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba.
3. Công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với Chủ sở hữu, cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Giám đốc, kế toán trưởng, các chức danh quản lý khác do Hội đồng quản trị công ty chứng khoán bổ nhiệm và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.
4. Công ty chứng khoán đã được thực hiện giao dịch ký quỹ theo quy định pháp luật được cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán dưới hình thức giao dịch ký quỹ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
5. Công ty chứng khoán được cho vay chứng khoán để sửa lỗi giao dịch, hoặc cho vay để thực hiện các giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tại BCTC hợp nhất quý 3/2020, Chứng khoán SSI có tài sản ngắn hạn ở mức 42.024,3 tỷ đồng, chiếm 92,5% tổng số tài sản hiện có. Trong đó, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn bao gồm Tiền gửi và Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm là 3.234,3 tỷ đồng. Ghi nhận tại ngày 30/9, Công ty có 3.000 tỷ đồng được dùng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn của Công ty và 8,5 tỷ đồng được công ty con dùng để đảm bảo cho hợp đồng cấp bảo lãnh.
Trước đó, vào ngày 25/01, Chứng khoán SSI cũng đã nộp phạt số tiền 125 triệu đồng vì đã có hành vi thành lập phòng giao dịch trong nước khi chưa được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản.
Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hạn chế cho vay, trong năm 2022, UBCKNN đã phạt tiền hàng loạt công ty chứng khoán và thu về số tiền hàng trăm triệu đồng. Cụ thể: Công ty CP Chứng khoán APG bị phạt 175 triệu đồng vì đã cho một số khách hàng vay tiền thông qua các Hợp đồng đặt mua cổ phiếu, Hợp đồng đặt mua trái phiếu. Công ty CP Chứng khoán DSC bị phạt 175 triệu đồng vì đã cho vay đối với Thành viên HĐQT.
Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam bị phạt 125 triệu đồng do đã thực hiện cho vay giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu của Công ty CP Địa ốc First Real (mã chứng khoán FIR) không nằm trong danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ. Công ty CP Chứng khoán Phố Wall bị phạt 85 triệu đồng bởi số lượng chứng khoán cho vay chứng khoán giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán FID vượt 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết. Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương bị phạt 125 triệu đồng do trong năm 2021 đã giải ngân cho vay đối với cổ phiếu của chính Công ty phát hành và trong năm 2020 đã cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán không thuộc danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ.
Theo Điều 26, Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán:
- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về hạn chế vay nợ hoặc về hạn chế cho vay.
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ, về ngừng thực hiện giao dịch ký quỹ.