Còn nhiều sức ép tác động đến lãi suất

Dù lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, nhưng có trở thành xu hướng dài hạn đủ sức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Lãi suất cho vay hạ nhiệt

Trong tuần trước, nhóm ngân hàng Big 4 đã có cuộc họp, thống nhất sẽ hạ lãi suất huy động dân cư, dẫn đến kỳ vọng sẽ lan tỏa ít nhiều khả năng giảm lãi suất tới các ngân hàng thương mại. Và thực tế việc hạ lãi suất này đã, đang diễn ra.

cach-tinh-ty-le-du-no-cho-vay-pld-1677203016.jpeg
Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng góp phần giảm áp lực huy động vốn cho nhiều ngân hàng

Theo tính toán từ động thái của các ngân hàng ban đầu như BIDV áp dụng lãi suất huy động tối đa từ 6 tháng trở lên đối với tổ chức 8,5%/năm và đối với cá nhân mức 8,7%/năm, thì mức lãi suất kéo giảm được cho sẽ là khoảng 0,2%, khá thấp nhưng vẫn có cơ sở để trông đợi.

Từ đầu năm 2023, Vietcombank cũng đã công bố về chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/4/2023.

Hay gần đây nhất, ngày 16/2, ngân hàng Agribank thông báo lãi suất cho vay bất động sản có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.

Thời gian điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024. Đối tượng được xem xét là những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, nay áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, cũng như định hướng kìm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, hỗ trợ giúp lãi suất hiện nay hạ nhiệt đáng kể so với trước là yếu tố mùa vụ. Hoạt động tín dụng những tháng đầu năm thường tăng trưởng khá chậm chạp do nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh thời điểm này rất thấp, ngược lại dòng tiền có xu hướng chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng thông qua gửi tiết kiệm đầu năm sau khi người lao động nhận thưởng dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng góp phần giảm áp lực huy động vốn cho nhiều ngân hàng.

Sức ép còn nóng

Tuy nhiên, thông tin với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn.

chinh-sach-tien-te-pld-1677203016.jpg
Chính sách tiền tệ cần vượt qua thách thức trong quý 1 và quý 2/2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, mạnh tay hạ lãi suất

Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá cũng là một yếu tố quan trọng gây áp lực lên lãi suất VND. Tuy nhiên, khi có điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

Có thể thấy, nút thắt về vốn vẫn đè nặng các doanh nghiệp hiện nay. Dù lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, nhưng liệu đây có phải xu hướng dài hạn đủ sức hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Về điều này, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ đặc biệt là tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 sẽ thông thoáng hơn rất nhiều, khi lạm phát có xu hướng bớt căng thẳng, sức ép từ bên ngoài như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã đỡ hơn nhiều.

Nhưng tuần vừa qua, khi Mỹ công bố chỉ số CPI đã dấy lên lo ngại Fed sẽ “diều hâu” hơn trong đợt tăng lãi suất vào tháng 3. Giới đầu tư cũng lo ngại một đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed sẽ tiếp tục gây sức ép với lãi suất của Việt Nam. Có những nhận định lạm phát đã đạt đỉnh thì lạm phát sẽ suy giảm, song tốc độ suy giảm quá chậm so với kỳ vọng.

“Còn việc giảm lãi suất là mong muốn và cố gắng của rất nhiều chủ thể có liên quan tham gia thị trường tài chính, đặc biệt là khối ngân hàng. Để làm được còn phụ thuộc rất nhiều vào áp lực từ phía bên ngoài trong thời gian sắp tới”, ông Long nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), Fed sẽ còn 2 lần tăng lãi suất nữa vào tháng 3 và tháng 5/2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5 – 5,25% đến cuối năm 2023. Đây là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô, cũng là cơ hội để NHNN giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi.

Ổn định vĩ mô không thể đạt được khi lãi suất thực rất cao, nếu duy trì cả năm thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, chính sách tiền tệ cần vượt qua thách thức trong quý 1 và quý 2/2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, mạnh tay hạ lãi suất.