Đăng clip 'Quả báo Làng Nủ Lào Cai' để câu view
Ngày 28/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến Công ty cổ phần truyền thông S.U.N RISE về hành vi quản lý, sử dụng kênh Youtube "Những Bài Học Nhỏ" đăng tải lên không gian mạng video clip có tiêu đề "Quả báo Làng Nủ Lào Cai".
Theo lực lượng chức năng, đây là thông tin bịa đặt, gây bức xúc trong dư luận.
Tại cơ quan công an, bà Đ.P.T. (đại diện Công ty cổ phần truyền thông S.U.N RISE) thừa nhận kênh "Những bài học nhỏ" thuộc công ty quản lý. Trên kênh đã đăng tải clip "Quả Báo Làng Nủ Lào Cai" - đây là thông tin bịa đặt.
Sau khi đăng tải, clip trên thu hút nhiều bình luận tiêu cực, búc xúc, gây ảnh hưởng đến Làng Nủ, tỉnh Lào Cai. Công ty đã nhận thức được hành vi vi phạm, chủ động xóa video clip và đăng tải thông tin đính chính, xin lỗi cộng đồng mạng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã ra quyết định xử phạt công ty cổ phần truyền thông S.U.N RISE về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc", theo điểm d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, của Chính phủ, với mức phạt tiền là 15 triệu đồng.
Trước đó, kênh YouTube mang tên "Những Bài Học Nhỏ" với hơn 324.000 người theo dõi đăng tải một video hoạt hình có tên "Quả báo - Truyện cổ tích - Những bài học nhỏ - Quà tặng cuộc sống". Đáng chú ý, video này để ảnh minh họa với dòng chữ "Quả báo Làng Nủ Lào Cai". Điều này khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Video có độ dài 42 phút 15 giây, với tiêu đề nêu tên vụ việc đau thương xảy ra ở Làng Nủ. Tuy nhiên, sau đó video đã được chỉnh sửa 1-2 phút phần đầu và thay thumbnail, tiêu đề, còn 41 phút 36 giây.
Nội dung ban đầu của video này kể về 3 câu chuyện nước ngoài, không liên quan đến vụ việc Làng Nủ nhưng lại giật tiêu đề gây bức xúc.
Video ban đầu được ẩn với khu vực Việt Nam, sau khi cắt ghép chỉnh sửa, được công khai hoàn toàn trên kênh YouTube. Hiện video trên cùng kênh YouTube "Những bài học nhỏ" đều được ẩn. Theo như thông tin mô tả dưới đoạn clip bản quyền thuộc sở hữu của Công ty S.U.N RISE có trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM.
Qua sự việc trên, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin không chính xác; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.
Người dân nên theo dõi thông tin chính thức tại các trang mạng, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác. Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tái thiết Làng Nủ sau lũ quét
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, có 37 ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi Con Voi, là ngôi làng nổi tiếng đẹp và thanh bình.
Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ khiến toàn bộ ngôi làng bị vùi lấp và hơn 100 người mất tích, xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi sinh sống của 37 hộ dân với 158 nhân khẩu. 35 mái nhà bị lượng đất đá khổng lồ đổ sập từ núi Voi xuống. Trên mặt phẳng còn lại chỉ còn sót đúng 2 nóc nhà.
Ngày 20/9, thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ghi nhận 54 người thiệt mạng, 13 người mất tích, 14 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Số người an toàn được xác định là 87 người.
Trước đó, ngày 15/9, chính quyền huyện Bảo Yên cũng đã tiến hành xây dựng khu tạm cư nằm cách khu ở cũ của bà con gần 1km, nhưng vẫn trong địa bàn thôn Làng Nủ. Toàn khu có mặt bằng rộng hơn 2.000m2 đã được san gạt.
Ngày 21/9, khu nhà tạm dành cho người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, được hoàn thiện, đón bà con về ở.
Toàn khu nhà tạm có 23 căn, được xây dựng bằng khung thép chắc chắn trên mặt bằng rộng 2.000m2, với tổng kinh phí xây dựng là 2 tỉ đồng, do quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn VinGroup tài trợ.
Sáng 21/9, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị chức năng khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà). Chiều cùng ngày, chính quyền địa phương cũng khởi công khu tái định cư Làng Nủ của xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Khu tái định cư Làng Nủ được quy hoạch tại khu vực Đồi Sim, cách nơi xảy ra trận lũ quét khoảng 2 km. Địa hình nơi đây cao ráo, rộng rãi và đảm bảo an toàn cho người dân. Trong giai đoạn 1, khu vực này sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha, mỗi hộ gia đình sẽ được cấp 1.000 m2 đất.
Dự kiến, sẽ có 40 căn nhà hai tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày, cùng với các công trình phụ trợ như nhà bếp và nhà vệ sinh. Ngoài nhà ở, khu tái định cư còn được đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa, hệ thống giao thông, điện, nước để đảm bảo điều kiện sinh sống ổn định và lâu dài cho cư dân. Theo kế hoạch, khu tái định cư này sẽ hoàn thành trước ngày 31/12.
Đưa tin vỡ đê ở Hà Nội, quản trị viên nhóm 'Đông Anh News' bị xử lý
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội vừa xử lý một quản trị viên của hội, nhóm "Đông Anh News" về hành vi phê duyệt bài viết có nội dung sai sự thật về tình hình mưa lũ tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, vừa qua, tình hình lũ lụt và cơn bão số 3 có nhiều diễn biến phức tạp gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ ảnh hưởng việc đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội dẫn đến gây hoang mang dư luận.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp đã đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng về tình hình mưa lũ cũng như công tác phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ trong những ngày vừa qua.
Ngày 18/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã xử lý một quản trị viên của hội, nhóm "Đông Anh News" về hành vi phê duyệt bài viết có nội dung sai sự thật về tình hình mưa lũ tại Hà Nội.
Trường hợp này đã để chế độ phê duyệt, đăng tải bài viết của thành viên lên nhóm với nội dung: "Vỡ đê thôn Kim Tiên xã Xuân Nôn từ đêm qua khoảng 500 nóc nhà chìm trong biển nước" khi chưa kiểm duyệt, kiểm chứng.
Bài viết thu hút nhiều lượt tương tác, bình luận, lượt chia sẻ, bình luận trái chiều về công tác phòng chống bão trên địa bàn Thủ đô. Đây là thông tin gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai của các cơ quan chức năng.
Hiện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đang lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định.
Qua vụ việc, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin không chính xác; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Nên theo dõi thông tin chính thức tại các trang mạng, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.
Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với việc quản lý thông tin, đặc biệt là từ các hội, nhóm đông thành viên trên mạng xã hội, các quản trị viên của nhóm cần nâng cao trách nhiệm kiểm duyệt nội dung một cách kỹ lưỡng trước khi cho phép bài viết xuất hiện công khai, tránh gây hoang mang cho dư luận.
Nhiều tài khoản mạng xã hội bị xử phạt do đăng thông tin giả về bão lũ
Trước đó, ngày 13/9, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 8/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc phải gồng mình đón nhận cơn bão số 3 (bão Yagi) và các ảnh hưởng của hoàn lưu bão, xuất hiện không ít những thông tin giả liên quan đến thiên tai, đặc biệt là các tin đồn về việc vỡ đê, cắt điện. Điều này đã gây ra không ít lo lắng cho người dân.
Để loại bỏ tình trạng này, Bộ TT&TT cùng nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền tin đồn thất thiệt, đảm bảo môi trường mạng an toàn, trong sạch.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay, Bộ TT&TT đang duy trì hoạt động của Trung tâm xử lý tin giả. Đây là nơi chuyên tiếp nhận và xử lý các thông tin sai lệch.
Không chỉ ở cấp bộ ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Thời gian qua, bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt nhằm trấn an dư luận.
Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, trong cơn bão số 3 vừa qua, hàng loạt tin giả về vỡ đê, vỡ đập và cắt điện tại Hà Nội đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các bộ, ngành và cổng thông tin điện tử các địa phương, nhiều thông tin sai lệch đã nhanh chóng bị bác bỏ.
Quảng Ninh đã nhanh chóng xử lý tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, gây hoang mang lớn cho người dân. Một tỉnh liền kề là Hải Dương cũng đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ.
Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hoà.
Một trường hợp điển hình khác tại Hà Giang, nơi một đoạn video về một người mẹ bế con ngồi trong thau được lan truyền với thông tin cho rằng đây là người dân cần cứu trợ trong bão lũ. Sau khi cơ quan chức năng địa phương xác minh, kết quả cho thấy đây là tin giả, được dàn dựng bởi một YouTuber.
Cũng tại Hà Giang, một video clip khác về em bé lạc mẹ trong lũ đã được xác minh là thông tin sai lệch. Các đối tượng có liên quan đã bị triệu tập để xử lý.
Những vụ việc trên cho thấy, mỗi khi thiên tai hay dịch bệnh xảy ra, tin giả thường có xu hướng phát tán nhanh chóng, khiến người dân dễ bị lôi kéo theo cảm xúc và chia sẻ thông tin không qua xác minh.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook và TikTok để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin sai lệch.
Facebook đã gỡ bỏ 36 tin bài chứa thông tin sai sự thật liên quan đến bão lũ, trong khi TikTok đã chặn 51 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng chống thiên tai.
Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang cho các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý.
Trước thực trạng tin giả hiện nay, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT khuyến nghị người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết.
Kỹ năng để nhận biết và phòng tránh tin giả
Để nhận biết và phòng tránh tin giả, tiếp tay cho việc phát tán tin giả, người sử dụng mạng xã hội luôn cần phải kiểm tra nguồn gốc của thông tin. Nếu thông tin đến từ một nguồn không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy, cần phải cảnh giác, đọc kỹ nội dung thông tin, so sánh thông tin với các nguồn tin chính thống hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các hình ảnh và video đều có thể bị chỉnh sửa hoặc làm giả, người dùng cần trang bị kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược để kiểm tra nguồn gốc của chúng. Thậm chí, trước những thông tin quá tích cực, quá tốt đẹp hoặc quá tiêu cực, người đọc cũng cần phải cảnh giác, vì rất có thể đó là tin giả, nên rất cần kiểm chứng thận trọng trước khi chia sẻ.
Thực tế là có rất nhiều người dùng mạng xã hội dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác, khi đó, trong rất nhiều lần chia sẻ mà không cân nhắc, tìm hiểu kỹ nội dung sẽ rất dễ chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo, sai sự thật. Tiếp đó, những bạn bè của người đó lại rất có thể sẽ tiếp tục chia sẻ nội dung giả mạo, và cứ thế, tin giả sẽ được lan truyền rất nhanh.
Nhiều người vẫn có quan niệm rằng tin giả chỉ mang nội dung tiêu cực nhưng thực tế, có nhiều tin giả mang cả những nội dung tích cực, nhân đạo và cũng được lan truyền rất nhanh (ví dụ như trường hợp một số người nổi tiếng đăng hình ảnh ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt trong cơn bão số 3 với số tiền rất lớn, nhưng thực tế, số tiền họ ủng hộ thấp hơn rất nhiều).
Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện tin giả, người dùng có thể báo cáo cho các cơ quan chức năng hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến (như đã nêu ở trên) để báo cáo, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo và giảm thiểu tác động của tin giả. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng kiểm chứng thông tin sẽ giúp người dùng mạng xã hội tránh được những tin giả và bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch.