Quản trị viên nhóm “Đông Anh News” trên Facebook bị xử lý
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, vừa qua, tình hình lũ lụt và cơn bão số 3 có nhiều diễn biến phức tạp gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ ảnh hưởng việc đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội dẫn đến gây hoang mang dư luận.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp đã đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng về tình hình mưa lũ cũng như công tác phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ trong những ngày vừa qua.
Theo đó, ngày 18/9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã xử lý một quản trị viên của hội, nhóm “Đông Anh News” về hành vi phê duyệt bài viết có nội dung sai sự thật về tình hình mưa lũ tại Hà Nội.
Trường hợp này đã để chế độ phê duyệt, đăng tải bài viết của thành viên lên nhóm với nội dung: “Vo đê thôn Kim Tiên xã Xuân Nôn từ đêm qua khoảng 500 nóc nhà chìm trong biển nước” khi chưa kiểm duyệt, kiểm chứng.
Bài viết thu hút nhiều lượt tương tác, bình luận, lượt chia sẻ, bình luận trái chiều về công tác phòng chống bão trên địa bàn Thủ đô. Đây là thông tin gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai của các cơ quan chức năng.
Hiện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đang lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định.
Qua vụ việc, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin không chính xác; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Nên theo dõi thông tin chính thức tại các trang mạng, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng chính xác.
Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với việc quản lý thông tin, đặc biệt là từ các hội, nhóm đông thành viên trên mạng xã hội, các quản trị viên của nhóm cần nâng cao trách nhiệm kiểm duyệt nội dung một cách kỹ lưỡng trước khi cho phép bài viết xuất hiện công khai, tránh gây hoang mang cho dư luận.
Nhiều tài khoản mạng xã hội bị xử phạt do đăng thông tin giả về bão lũ
Trước đó, ngày 13/9, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 8/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc phải gồng mình đón nhận cơn bão số 3 (bão Yagi) và các ảnh hưởng của hoàn lưu bão, xuất hiện không ít những thông tin giả liên quan đến thiên tai, đặc biệt là các tin đồn về việc vỡ đê, cắt điện. Điều này đã gây ra không ít lo lắng cho người dân.
Để loại bỏ tình trạng này, Bộ TT&TT cùng nhiều địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền tin đồn thất thiệt, đảm bảo môi trường mạng an toàn, trong sạch.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay, Bộ TT&TT đang duy trì hoạt động của Trung tâm xử lý tin giả. Đây là nơi chuyên tiếp nhận và xử lý các thông tin sai lệch.
Không chỉ ở cấp bộ ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Thời gian qua, bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt nhằm trấn an dư luận.
Theo Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, trong cơn bão số 3 vừa qua, hàng loạt tin giả về vỡ đê, vỡ đập và cắt điện tại Hà Nội đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các bộ, ngành và cổng thông tin điện tử các địa phương, nhiều thông tin sai lệch đã nhanh chóng bị bác bỏ.
Quảng Ninh đã nhanh chóng xử lý tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, gây hoang mang lớn cho người dân. Một tỉnh liền kề là Hải Dương cũng đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ.
Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hoà.
Một trường hợp điển hình khác tại Hà Giang, nơi một đoạn video về một người mẹ bế con ngồi trong thau được lan truyền với thông tin cho rằng đây là người dân cần cứu trợ trong bão lũ. Sau khi cơ quan chức năng địa phương xác minh, kết quả cho thấy đây là tin giả, được dàn dựng bởi một YouTuber.
Cũng tại Hà Giang, một video clip khác về em bé lạc mẹ trong lũ đã được xác minh là thông tin sai lệch. Các đối tượng có liên quan đã bị triệu tập để xử lý.
Những vụ việc trên cho thấy, mỗi khi thiên tai hay dịch bệnh xảy ra, tin giả thường có xu hướng phát tán nhanh chóng, khiến người dân dễ bị lôi kéo theo cảm xúc và chia sẻ thông tin không qua xác minh.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook và TikTok để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin sai lệch.
Facebook đã gỡ bỏ 36 tin bài chứa thông tin sai sự thật liên quan đến bão lũ, trong khi TikTok đã chặn 51 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng chống thiên tai.
Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang cho các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý.
Trước thực trạng tin giả hiện nay, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT khuyến nghị người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết.
Mức xử phạt hành chính với hành vi đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng
Điều 101 Mục 4 Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.
Mức phạt tiền quy định trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, Điều 288 Mục 2 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 Bộ luật Hình sự 2015;
- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
- Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
- Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
- Dẫn đến biểu tình.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Kỹ năng để nhận biết và phòng tránh tin giả
Để nhận biết và phòng tránh tin giả, tiếp tay cho việc phát tán tin giả, người sử dụng mạng xã hội luôn cần phải kiểm tra nguồn gốc của thông tin. Nếu thông tin đến từ một nguồn không rõ ràng hoặc không đáng tin cậy, cần phải cảnh giác, đọc kỹ nội dung thông tin, so sánh thông tin với các nguồn tin chính thống hoặc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, các hình ảnh và video đều có thể bị chỉnh sửa hoặc làm giả, người dùng cần trang bị kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh ngược để kiểm tra nguồn gốc của chúng. Thậm chí, trước những thông tin quá tích cực, quá tốt đẹp hoặc quá tiêu cực, người đọc cũng cần phải cảnh giác, vì rất có thể đó là tin giả, nên rất cần kiểm chứng thận trọng trước khi chia sẻ.
Thực tế là có rất nhiều người dùng mạng xã hội dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác, khi đó, trong rất nhiều lần chia sẻ mà không cân nhắc, tìm hiểu kỹ nội dung sẽ rất dễ chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo, sai sự thật. Tiếp đó, những bạn bè của người đó lại rất có thể sẽ tiếp tục chia sẻ nội dung giả mạo, và cứ thế, tin giả sẽ được lan truyền rất nhanh.
Nhiều người vẫn có quan niệm rằng tin giả chỉ mang nội dung tiêu cực nhưng thực tế, có nhiều tin giả mang cả những nội dung tích cực, nhân đạo và cũng được lan truyền rất nhanh (ví dụ như trường hợp một số người nổi tiếng đăng hình ảnh ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt trong cơn bão số 3 với số tiền rất lớn, nhưng thực tế, số tiền họ ủng hộ thấp hơn rất nhiều).
Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện tin giả, người dùng có thể báo cáo cho các cơ quan chức năng hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến (như đã nêu ở trên) để báo cáo, kịp thời ngăn chặn, cảnh báo và giảm thiểu tác động của tin giả. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng kiểm chứng thông tin sẽ giúp người dùng mạng xã hội tránh được những tin giả và bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch.