Đầu tư cho nhiều Cụm công nghiệp tại Bắc Kạn: Đừng để tốn tiền mà không hiệu quả

Triệu Hồ

12/10/2021 11:44

Theo dõi trên

Việc đầu tư xây xây dựng CCN tạo ra quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là định hướng hết sức thiết thực của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, cũng cần xem xét, thẩm định kỹ năng lực của Nhà đầu tư để các dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Đầu tư nhiều Cụm công nghiệp

Ngày 23/8/2021, ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp (CCN) Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (giai đoạn 1).

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 171 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Quy mô dự án là 16ha, địa điểm thực hiện là tổ Bản Vẻn, phường Huyền Tụng và tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Dự án khởi công từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2022. Đây là một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của thành phố Bắc Kạn, sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

img_8184_20211008092726

Dự án CCN Huyền Tụng phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ngày 23/08/2021

Trước đó, ngày 21/10/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị công bố thành lập CCN Quảng Chu (huyện Chợ Mới) và CCN Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông) với tổng mức vốn đầu tư trên 1.800 tỷ đồng.

Theo đó, CCN Quảng Chu do Công ty Cổ phần Dịch vụ và Du lịch ONSEN FUJI làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích 74,4ha được xây dựng tại thôn Đồng Luông (xã Quảng Chu, Chợ Mới, Bắc Kạn), tổng mức đầu tư 456,17 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư 36 tháng (12 tháng thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; 24 tháng thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật).

CCN Cẩm Giàng do Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích 43ha, xây dựng tại khu vực thôn Khuổi Chanh, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông với số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 421,443 tỷ đồng; dự án nhà máy điện sinh khối công suất 30MW là 950 tỷ đồng. Tiến độ đầu tư 36 tháng, thời gian hoạt động của dự án 50 năm.

Mới đây, ngày 21/9/2021 UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 1747/QĐ-UBND về việc thành lập CCN Vằng Mười, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, CCN Vằng Mười được xây dựng trên địa bàn xã Trần Phú, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích là 15ha. Dự án có tổng mức đầu tư 149 tỷ đồng; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương) làm Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến thời gian dự án được thực hiện là từ năm 2022 đến năm 2025.

Tiếp đó, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành Quyết định 1852/QĐ-UBND ngày 6/10/2021 về việc CCN Nam Bằng Lũng, tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn với tổng diện tích 20ha với tổng mức đầu tư 216 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể ngày ký Quyết định thành lập. Tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2022-2025.

Theo đề án quy hoạch và phát triển các CCN tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, có xét đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ phát triển 21 CCN với tổng diện tích trên 488ha, tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, thu hút khoảng 39.112 lao động (giai đoạn 2011 - 2015 thành lập mới 7 CCNp, giai đoạn 2016 - 2020 phát triển mạnh khoảng 11 CCN, xét đến năm 2025 tiếp tục phát triển khoảng 9 CCN). Mục tiêu của Đề án đưa ra là đến năm 2020 mỗi  huyện, thị trong tỉnh Bắc Kạn có ít nhất một CCN.

Dù vậy nhưng đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn mới chỉ có duy nhất 01 Khu công nghiệp (KCN) là KCN Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã đi vào hoạt động; Có 01 Cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật là CCN Huyền Tụng; 01 CCN đã được đầu tư từ năm 2012 là CCN Pù Pết (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) và 2 cụm công nghiệp mới được trao giấy chứng nhận đầu tư là Quảng Chu và Cẩm Giàng như đã nêu ở trên, còn các CCN khác hầu như vẫn còn đang nằm trên giấy.

Đầu tư mạnh nhưng liệu có thật sự đem lại hiệu quả kinh tế?

Việc đầu tư xây xây dựng KCN, CCN tạo ra quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư chế biến các sản phẩm từ rừng với quy mô lớn, vốn đầu tư cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động là định hướng hết sức thiết thực của tỉnh Bắc Kạn. Với nỗ lực từng bước cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại có nhiều dự án không triển khai, ngừng hoạt động và chậm tiến độ đã ảnh hưởng không nhỏ môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các dự án thu hút đầu tư khá hấp dẫn nhưng thực tế hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc do không có nhà đầu tư hoặc có nhà đầu tư nhưng không triển khai, hoặc thực hiện không hiệu quả. Có thể nói, việc thu hút doanh nghiệp vào khu công nghiệp của tỉnh đạt tỷ lệ lấp đầy khá, nhưng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả lại rất ít. Thậm chí nhiều có doanh nghiệp buộc phải phá sản, dừng hoạt động…

vov_nha_xuong_xdvg

Doanh nghiệp bỏ hoang nhà xưởng, không triển khai dự án gây lãng phí mặt bằng Khu công nghiệp

Tính đến năm 2019, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 109 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 12.139 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, trong số này, có 18 dự án ngừng hoạt động, 22 dự án chậm tiến độ, 13 dự án không triển khai, gây lãng phí đất, tài sản trên đất sau đầu tư, lãng phí tài nguyên, dẫn đến khiếu kiện kéo dài…

18 dự án ngừng hoạt động ở Bắc Kạn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp. Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này là do Nhà đầu tư (NĐT) không tính toán đúng nhu cầu thị trường, thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, với mong muốn tạo đột phá ở tỉnh nghèo, nhiều dự án được “mời gọi” nhanh phát triển cấp tốc về số lượng, “trải thảm đỏ” khi chưa thẩm định kỹ năng lực NĐT dẫn tới nhiều dự án chậm, ngừng và không triển khai, ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh.

Một số dự án được đầu tư hoàn thành đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất như Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lechenwood Việt Nam, Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần MISAKI tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Nhưng, ở chiều ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù đã từng là điển hình của địa phương trong một số năm như: Công ty Cổ phần Sahabak, Gang thép Kim Sơn, Vạn Lợi, Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn,...

Trên địa bàn tỉnh có 06 nhà máy chế biến khoáng sản nhưng hiện chỉ có 02 nhà máy luyện chì và nhà máy luyện gang có hoạt động sản xuất, tuy nhiên hoạt động cũng cầm chừng, không ổn định, các nhà máy chế biến khoáng sản khác hiện đang ngừng hoạt động sản xuất.

Đơn cử như tại KCN Thanh Bình, tuy có vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thuận tiện và được đầu tư xây dựng bài bản. Đây cũng là KCN duy nhất của Tỉnh được kỳ vọng sẽ là điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh. Nhưng thực tế hoạt động của các KCN Thanh Bình còn nhiều vướng mắc do không có nhà đầu tư hoặc có nhà đầu tư nhưng không triển khai, hoặc thực hiện không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Tính đến thời điểm năm 2019, sau hơn chục năm đi vào hoạt động nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp nhỏ hoạt động, trong đó chỉ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, tỉ lệ diện tích đất trống bị bỏ hoang lớn; các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc một số hoạt động tốt nhưng quy mô nhỏ. Thậm chí có những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, bị phản ánh nợ lương, nợ BHXH, giá trị sản lượng thấp.

vov_nha_xuong1_tnco

Vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, hệ thống điện được đầu tư bài bản nhưng tỉ lệ diện tích đất trống bị bỏ hoang lớn, các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả tại KCN Thanh Bình

Hoạt động của các Khu, Cụm công nghiệp luôn là vấn đề nóng của tỉnh Bắc Kạn. Một số ý kiến cho rằng cần thận trọng khi sự phát triển các Khu, Cụm công nghiệp tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả sẽ gây lãng phí lớn cho ngân sách. Hoạt động thu hút đầu tư cần chọn lọc, có định hướng theo ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; chú trọng tính liên kết ngành trong phát triển các Khu, Cụm công nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư cho nhiều Cụm công nghiệp tại Bắc Kạn: Đừng để tốn tiền mà không hiệu quả" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com