Thấy gì sau khi “mở cửa bầu trời”?
Kết hợp giữa các công trình kiến trúc hiện đại được vinh danh kỷ lục thế giới và những nét hoang sơ quyến rũ bậc nhất hành tinh, Đà Nẵng đã chứng minh được sức hút đặc biệt qua hàng chục năm phát triển.
Tuy nhiên, cơn bão Covid-19 vừa qua đã cho thấy Đà Nẵng dễ bị tổn thương như thế nào, và những gì làm nên lợi thế của thành phố xinh đẹp này cũng rất có thể nhanh chóng trở thành viên ngọc bị vùi lại trong cát.
Do đó, câu chuyện đặt ra cho Đà Nẵng hiện tại và trong tương lai, là không chỉ cần đạt được mục tiêu trở thành một điểm đáng đến, mà còn phải là điểm đến hàng đầu; cũng như phải luôn tỏa sáng hình ảnh của một nơi đáng sống bậc nhất.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng vừa có núi vừa có sông, có biển nên không chỉ có tiềm năng về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu.
Theo ông Minh, đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022, thành phố đã liên tục ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch khôi phục hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.
Điển hình như đưa vào hoạt động Công viên APEC mở rộng, tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, bãi biển đêm Mỹ An, phố du lịch An Thượng.
Các doanh nghiệp cũng đã nâng cấp, đầu tư thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội mới tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa (khai trương ngày 8.6.2022).
Từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6.2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách.
Ngày 24.6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, một con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra.
Mới đây, Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022.
Đây là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi cơn bão Covid-19.
Đã đến lúc phát triển Đà Nẵng theo chiều sâu
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng đại dịch Covid-19 như một khoảng lặng lớn để thành phố này nhìn lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng, đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống.
Ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, nhận xét Đà Nẵng đã phục hồi rất tốt sau đỉnh dịch Covid-19 dù có chậm hơn các địa phương khác về xuất phát điểm.
Tuy nhiên, cần thiết định vị lại điểm đến du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận nghiêm túc việc mở rộng sân bay Đà Nẵng và tháo gỡ những rào cản tạo điều kiện tối đa cho visa du lịch.
Theo ông Nam, nếu không sớm nghiên cứu ngay những điểm này sẽ trở thành điểm tắc nghẽn quá tải đối với du lịch hiện tại chứ chưa nói đến tương lai.
“Đà Nẵng phải có dịch vụ sang trọng, dịch vụ du thuyền, các tuyến trực thăng y tế, nhìn chung là nên có định hướng về hệ sinh thái du lịch phục vụ cho giới siêu giàu”, ông Nam nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi, chúng ta hướng đến thành phố đáng đến nhưng đáng đến với ai? Đối tượng bình dân khác, giới siêu giàu, giới tinh hoa khác, hướng đến khách du lịch siêu giàu cũng phải khác.
“Hai năm qua, số lượng lớn du thuyền và máy bay tư nhân di chuyển đến Địa Trung Hải để tránh dịch khá nhiều nhưng rất tiếc họ không đến Việt Nam”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, Việt Nam chưa hình thành hệ sinh thái hướng đến đối tượng này. Một khách nhà giàu bằng hàng trăm khách thường, số lượng mấy chục triệu khách hàng năm nhưng cần có đề án hướng đến chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của giới khách hàng này.
Ông Nam cho rằng đã đến lúc Đà Nẵng cần phát triển du lịch theo chiều sâu, cao cấp, tận dụng thế mạnh hiện có.
Đà Nẵng cần có những sản phẩm du lịch ấn tượng, đẳng cấp vượt trội hơn tất cả các sản phẩm du lịch ở các địa phương khác.
“Nếu Đà Nẵng đầu tư cho du lịch đêm thì đó là điểm sáng. Bên cạnh đó, là thành phố duy nhất ở Việt Nam có thương hiệu Lễ hội Pháo hoa và không nhiều thành phố trên thế giới có được danh hiệu này. Do vậy, phải giữ lấy, nâng tầm sự kiện này lên, làm cho nó trở thành điểm độc đáo”, ông Nam chia sẻ.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, để Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, trước hết phải hoàn thiện quy hoạch cũng như chức năng đô thị của thành phố này. Cần xác định, Đà Nẵng là một đô thị hoàn chỉnh với đủ tính chất du lịch, kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải có bản sắc mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là bản sắc của một đô thị biển, có núi, có rừng, có sông xen kẽ nhau.
Do đó, quy hoạch đô thị Đà Nẵng nên bám vào những dòng sông, kiến tạo nên những đô thị ven sông giàu bản sắc, phát huy thế mạnh thiên nhiên.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng để trở thành thành phố đáng sống, Đà Nẵng trước hết phải là thành phố luôn tiến về phía trước, phải hấp dẫn được người tài và người giàu với đủ các tiện ích, dịch vụ giúp họ tận hưởng cái hay, cái đẹp của cuộc sống.
“Phải làm sao để là một thành phố của sáng tạo và cống hiến, một thành phố an toàn và bình yên cho mọi tâm hồn”, ông Thiên phát biểu.
Ở góc độ doanh nghiệp có nhiều trăn trở với Đà Nẵng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World đã chia sẻ về những định hướng sản phẩm mới mà Sun Group sẽ đem đến cho Đà Nẵng trong tương lai, để thành phố “đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa, nhiều trải nghiệm độc đáo hơn nữa”. Bởi theo bà, Đà Nẵng là quê hương của Sun Group khi tập đoàn này đặt chân về Việt Nam và là nơi đầu tư trọng tâm nhất mà doanh nghiệp đã xác định.
“Rất nhiều sản phẩm đang được Sun Group ấp ủ cho Đà Nẵng. Chúng tôi mong rằng, du khách sẽ không bao giờ gặp lại một Đà Nẵng cũ, với các sản phẩm du lịch không đâu có được”, bà Nguyện cho hay.