Đề xuất định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
 

Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước phải đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2021 - 2025 bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng (giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường; y tế;...) và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo khó khăn.

Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2022-2024. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; góp phần đổi mới quản lý tài chính đối với khu vực sự nghiệp công để giảm mức hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập, tăng nguồn đảm bảo chính sách hỗ trợ người nghèo. Tiêu chí phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm tra; đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch; từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương

Đối với phân bổ dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: Tiêu chí là căn cứ số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, phương pháp tính theo từng bậc biên chế.

Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế như sau:

Đơn vị: triệu đồng/biên chế/năm

Các Bộ, cơ quan trung ương Định mức phân bổ
1. Khối các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ 72
2. Khối các Bộ, cơ quan trung ương khác (định mức tính theo từng bậc biên chế)  
- Từ 100 biên chế trở xuống 70
- Từ biên chế thứ 101 đến 500 65
- Từ biên chế thứ 501 đến 1.000 61
- Từ biên chế thứ 1.001 trở lên 57

Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo quy định của cấp có thẩm quyền, mức bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2022 căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2021 và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên (ngoài quỹ lương và các khoản chi cho con người).

Về phân bổ dự toán chi quốc phòng, an ninh, dự thảo quy định: Đối với nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh của ngân sách trung ương, căn cứ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng kế hoạch 2021-2025 và chiến lược đến năm 2030 để xác định các nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người, nhiệm vụ đặc thù của quốc phòng, an ninh và ưu tiên bố trí cân đối ngân sách trung ương hàng năm, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định dự toán chi thường xuyên.

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Đối với phân bổ chi sự nghiệp giáo dục: Tiêu chí và định mức phân bổ tính theo dân số trong độ tuổi đến trường (từ 1-18 tuổi). Cụ thể:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Vùng Định mức phân bổ
Vùng đặc biệt khó khăn 7.202.500
Vùng khó khăn 5.117.600
Đô thị 3.032.600
Vùng khác còn lại 3.790.800

Định mức phân bổ tại khoản này đã bao gồm: Tính đủ cho các cấp giáo dục, các loại hình giáo dục; chế độ học bổng cho học sinh dân tộc nội trú; chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực giáo dục đã ban hành.

Tiêu chí, định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình như sau:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Vùng Định mức phân bổ
Vùng đặc biệt khó khăn 351.850
Vùng khó khăn 250.000
Đô thị 148.200
Vùng khác còn lại 185.200

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.