Theo đó, tại Tờ trình Dự án Luật Đường bộ được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 7/7, Chính phủ đề xuất thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư hoặc nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư.
Lý giải cho đề xuất đã nêu, Bộ Giao thông vận tải – cơ quan soạn thảo Dự án Luật cho rằng, phương án này sẽ thu hút nguồn lực khu vực tư nhân và đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 5.000 km cao tốc. Thu phí còn giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.
Người dân, doanh nghiệp tốn thêm phí sử dụng cao tốc nhưng được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Giải pháp này tương thích với các điều ước quốc tế về giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên.
Nếu không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, lợi ích kinh tế – xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000 km cao tốc. Ngân sách Nhà nước chịu gánh nặng, gây áp lực trần nợ công…
Theo ước tính của cơ quan soạn thảo, đến năm 2030, toàn quốc cần 813.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc, trong đó, đến 2025 cần 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.000 km và khởi công 925 km. Trong 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm…
Đề xuất này ngay khi được đưa ra lấy ý kiến đã nhận lại sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, vẫn còn đó không ít ý kiến trái chiều và cho rằng, tất cả các tuyến đường quốc gia được đầu tư bằng ngân sách mà lại thu phí là vô lý, đồng thời đề xuất, nếu thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thì bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ, bởi ngân sách là thuế của nhân dân, thu phí bảo trì đường bộ, giờ thu thêm phí sử dụng dịch vụ cao tốc sẽ là “phí chồng phí”.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, nội dung này đã bàn đi bàn lại nhiều lần rồi, nói mãi rồi. Đề xuất thu phí tuyến cao tốc làm bằng tiền ngân sách là vô lý và sẽ khiến “phí chồng phí”. Tiền thuế của người dân đã nộp về ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư, bây giờ tiếp tục thu phí khác nào người dân phải nộp 2 lần thuế.
Vị chuyên gia này cho hay, đường cao tốc xây dựng bằng tiền ngân sách tức là bằng tiền thuế đóng góp của nhân dân. Thu phí tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư là bất hợp lý, tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
“Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng có thể dẫn tới phát sinh các chi phí khác kèm theo và khiến cho giá cả của hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển”, vị chuyên gia này phân tích.
Thực tế, đề xuất thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư hoặc nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư không phải lần đầu tiên được đưa ra xin ý kiến. Trước đó, đầu tháng 5/2023, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề xuất sẽ thu phí 9 tuyến cao tốc, gồm: TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương; Cao Bồ – Mai Sơn; Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Cam Lộ – La Sơn; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2.
Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí dịch vụ hợp lý để hoàn vốn đầu tư cho Nhà nước khi bắt đầu phê duyệt đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc là hợp lý, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hệ thống cao tốc tại Việt Nam là lớn mà nguồn lực ngân sách Nhà nước có hạn.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện tài chính, việc thu phí cao tốc đường bộ do Nhà nước làm chủ đầu tư là việc cần thiết và là theo đường hướng đã vạch ra từ hàng chục năm nay. Không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay ở các quốc gia kinh tế phát triển thì ngân sách Nhà nước cũng không đủ để chi tiêu cho các tuyến đường bộ cao tốc và buộc phải tính toán đến việc thu phí đường bộ cao tốc mà Nhà nước đầu tư. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục phát triển các tuyến đường bộ cao tốc cũng như phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách toàn diện, đảm bảo giải quyết những nút thắt, ách tắc về giao thông vận tải, tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Về lo ngại liệu có xảy ra tình trạng “phí chồng phí”, tạo thêm gánh nặng cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, đây là lo ngại không cần thiết. Bởi, thực tế nguồn tiền thuế mà người dân đóng góp cho ngân sách Nhà nước đã được đầu tư để xây dựng nhiều cung đường khác đã và đang được sử dụng bao nhiêu năm nay.
“Việc xây dựng đường cao tốc để đáp ứng cho những doanh nghiệp và những người muốn tiết kiệm thời gian, muốn sử dụng đường có chất lượng hơn. Nếu như không muốn đi đường cao tốc có thể đi đường cũ song song không mất phí. Còn nếu đi đường cao tốc thì phải thu phí, người dân có quyền lựa chọn tuyến đường mà minh đi”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.