Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam Ông Văn Anh Tuấn đã có những đánh giá sát sao về tình hình quy hoạch hạ tầng giao thông của địa phương.
Theo giám đốc Sở, GTVT Quảng Nam dù phát triển đồng bộ nhưng còn nhiều hạn chế. Hàng không phát triển chậm và lúng túng, chưa tương xứng tiềm năng; cảng biển phát triển song chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Tuấn cho biết, định hướng quy hoạch đến năm 2030, Quảng Nam sẽ có 21 tuyến ĐT với tổng chiều dài khoảng 605km. Nhìn chung, quy hoạch phần lớn đi theo hiện trạng các tuyến đã hình thành. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng đạt quy mô quy hoạch chỉ là 182/605km (30%), còn lại chưa được đầu tư; nhiều tuyến đường hình thành nhưng thiếu công trình, chưa bảo đảm tính liên thông, thiếu kết nối.
Tiến độ thực hiện quy hoạch đường còn chậm; các trục ngang chính quy mô nhỏ, chưa nâng cấp mở rộng đã trở thành “điểm nghẽn”. Gần đây, chỉ có QL40B tiếp tục được nâng cấp, QL14E đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch trong thời gian tới của Quảng Nam là tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa để hình thành các trung tâm logistis.
Chính quyền Tỉnh kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm đưa vào danh mục đầu tư công và huy động các nguồn lực khác để mở rộng các trục QL14G, QL14D, QL40B. Ưu tiên nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng các công trình cầu, mở rộng các đoạn tuyến trên các đường trục đường địa phương (4 trục hướng Bắc - Nam và 8 trục đường Đông - Tây).
Trước đó, Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Nam cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã có nghiên cứu sơ bộ về phương án, hướng tuyến của các dự án: Tuyến đường mới từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến biển Quảng Nam và đường cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam.
Tại buổi làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 3/2022, lãnh đạo Tập đoàn THACO cũng đã bày tỏ đề xuất đầu tư tuyến đường từ Quảng Nam lên biên giới Việt - Lào, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên cùng nâng cấp cảng biển Chu Lai để giải bài toán chi phí logistics cho cả vùng.