Dệt may Việt Nam: Đối mặt với nguy cơ đình trệ sản xuất

Linh Nguyễn

17/08/2021 07:36

Theo dõi trên

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm 2021, nhưng ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp dệt may lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, mất hợp đồng và không đảm bảo được tiến độ các đơn hàng đã ký.

Rất nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã nhận đơn hàng cho cả năm 2021 và hầu hết đều ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (một phần vì nền so sánh năm ngoái thấp).

Xu hướng đơn hàng đã tăng trưởng trở lại bởi phần lớn các khách hàng đều gia tăng lượng đơn hàng của mình nhằm phục vụ cho nhu cầu bị nén lại trước đó của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...Các đơn hàng theo đó phục hồi mạnh về cả số lượng lẫn giá bán. Các doanh nghiệp ngành may cũng có thêm nhiều dự án tăng công suất (như MSH, TCM, TNG…), qua đó gia tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp sợi, dệt vì vậy cũng được nâng cao đơn hàng.

Anh 1
Dệt may Việt Nam đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng)

Trước những khó khăn, thách thức của dịch bệnh COVID-19, nhưng hoạt động xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng dệt may 7 tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May (VITAS) cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 22,858 tỷ USD, tăng 50,22% so với cùng kỳ 2020, vượt Bangladesh, chỉ xếp thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới.

Nhưng, đến tháng 8, các doanh nghiệp dệt may bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Khó thực hiện “3 tại chỗ”

Dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy, do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa, vì không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”.

Không chỉ vậy, việc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng gặp nhiều trở ngại. “Doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động. Các doanh nghiệp lao đao do phải giảm 50% - 60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng cũng chỉ thực hiện cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể duy trì trong ngắn hạn. Hiện nay, mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp ngành dệt, sợi với khu nhà xưởng rộng, ít công nhân, còn với ngành may thì không.

“Rõ ràng, chúng ta cũng không thể kéo dài "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Dự báo trong khoảng 1 tháng nữa, các doanh nghiệp như dệt may, da giày cũng sẽ không chịu đựng được nữa. Cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế cũng phải tính đến, trong điều kiện đó thì có tổ chức sản xuất không. Hơn nữa là phải đảm bảo thống nhất giữa các địa phương về đi lại, về tiêu chuẩn doanh nghiệp có thể làm việc. Hiện nay, mỗi địa phương, thậm chí mỗi xã có tiêu chuẩn khác nhau, rất khó để doanh nghiệp hoạt động. Nếu đã xác định là lâu dài thì cần sớm có hướng dẫn thống nhất trên cả nước để doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất. Nếu cứ dừng mà biết là dừng lâu thì doanh nghiệp sẽ không còn sức chịu đựng”, ông Lê Tiến Trường nêu ý kiến.

Ngoài ra, chi phí vận tải biển quốc tế tăng cao cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất.

Chi phí logistics, chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam, đang tăng rất mạnh. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 - 4 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác, khách hàng.

Đề xuất tiêm đủ vaccine cho người lao động

Không chỉ dừng ở sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mối lo lắng của doanh nghiệp dệt may hiện nay là khả năng sản xuất không ổn định, khiến các đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vaccine, đặc biệt là lái xe vận tải hàng hóa thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vaccine, nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Anh 2
Chỉ một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện để hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ")

VITAS cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương thống nhất phối hợp thực hiện, vì một số địa phương yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0; đồng thời, sớm kích hoạt các gói hỗ trợ, vay tín dụng cho doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho rằng, cần phải nâng cao tính trách nhiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Quá trình vừa qua, doanh nghiệp hoàn toàn bị động, tất cả đều phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ địa phương nên chưa tận dụng được nguồn lực doanh nghiệp để tham gia hoạt động này.

“Thời gian tới, cần phát triển y tế tại chỗ của doanh nghiệp, ứng phó tình huống khẩn cấp xảy ra. Đặc thù mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng rất khác nhau, do vậy, cần nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án, đề xuất phương án sản xuất phù hợp nhất để đảm bảo an toàn và phương án cũng được y tế địa phương xem xét và phê duyệt. Như vậy, sẽ có sự trao đổi mà không còn là tuân thủ từ trên xuống. Chúng tôi cũng thấy khâu đào tạo doanh nghiệp để có y tế tại chỗ là hoàn toàn cần thiết, doanh nghiệp phải nắm bắt được cách ứng phó cụ thể trong các tình huống xảy ra, thì đấy là những việc cần làm trong thời gian sắp tới”, bà Phan Thị Thanh Xuân đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Bắc Giang kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có phương án thống nhất, đảm bảo hàng hóa lưu thông được thông suốt, để chuỗi sản xuất, cũng như xuất nhập khẩu thuận lợi, nhất là trong giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 9, vì đây là thời điểm nóng nhất của ngành dệt may.

Bạn đang đọc bài viết "Dệt may Việt Nam: Đối mặt với nguy cơ đình trệ sản xuất" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com