Tháng 1/2021, sau khi báo chí phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu cũng như xuất xứ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Sau đó, ngày 26/1/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có công văn số 580/BNN-TCTS về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, trong đó có đề nghị “Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam”.
Mới đây nhất trong tháng 2/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam không bị hạn chế để tăng cường kiểm soát mà còn tăng vọt. Theo số liệu của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cung cấp, trong tháng 1 và tháng 2/2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu này là 687 tấn (hơn cả số lượng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2020).
Sau khi việc buôn lậu, vận chuyển cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phần nào bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi hình thức bằng việc nhập khẩu chính ngạch cá tầm Trung Quốc với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan. Thế nhưng, do bị Cơ quan quản lí CITES (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) quản lý về số lượng nên đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng cá tầm vượt trị giá khai báo trên tờ hải quan.
Ngày 30/3, Tổng cục Hải quan cho biết qua theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.
Cụ thể, ngày 17/3, Công ty TNHH Đầu tư & xuất nhập khẩu An Hưng (địa chỉ đăng ký: Số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại.
Ngày 19/3, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo kết quả giám định xác định hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do CITES Việt Nam cấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23/3 thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã mời doanh nghiệp để yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.
Tương tự, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông lâm thuỷ sản Đức Vui (địa chỉ đăng ký: Số 100, phố Đăng Châu, Cốc Lếu, Lào Cai), đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Siberia, có xuất xứ Trung Quốc. Ngày 20/3, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo những mẫu cá được kiểm tra của doanh nghiệp này không phải là cá tầm Siberia (Acipenser baeri Brandt 1869), 6 mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau. Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và giấy phép do CITES Việt Nam cấp.
Qua những sự việc này, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Doanh nghiệp Việt đang tiếp tay “giết chết” thị trường cá tầm trong nước
Cuối năm 2020, cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam đã gửi đơn "cầu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ về việc cá tầm Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ với số lượng lớn vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành chăn nuôi cá tầm trong nước. Đặc biệt, cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm tra, kiểm định có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện, giá các loại cá tầm nhập lậu Trung Quốc được bán trên thị trường, bán buôn cho thương lái, hoặc bán lẻ có giá từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg. Trong khi đó, các loại cá tầm của Việt Nam được nuôi tại Sapa có giá từ khoảng 170.000 đồng/kg xuất từ các trang trại, giá bán ra thị trường từ khoảng 200.000 - 240.000 đồng/kg.
Theo cơ quan chức năng, do cá tầm của Trung Quốc nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn nhanh nên giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi trong nước. Tuy nhiên, riêng việc được kiểm soát dịch bệnh và mức độ an toàn thực phẩm không có nên nguy cơ cho sức khỏe người ăn là rất lớn. Việc cá tầm nhập lậu Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, giả các loại cá tầm trong nước, khiến giá cá tầm nuôi trong nước giảm rất mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là trong xuất khẩu thủy sản này.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho biết, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm nhập từ Trung Quốc giá bán chỉ bằng 2/3 giá của cá tầm trong nước. Đặc biệt, khi vào thị trường trong nước, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá chăn nuôi tại Việt Nam, tạo ra tình trạng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường. Về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước.
Lào Cai và Lâm Đồng là 2 tỉnh có sản lượng nuôi cá tầm lớn nhất Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Việc mở ngành nuôi cá tầm đã đóng góp nhiều cho việc an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, dưới sức ép của cá tầm Trung Quốc nhập khẩu giá rẻ, nhiều trang trại nuôi cá tầm đang đứng bên bờ vực phá sản; một số hồ nuôi thậm chí phải chuyển đổi mô hình, chuyển sang nuôi giống cá khác để cầm cự.