Chưa bao giờ khó đến vậy
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo tập đoàn Dệt may đã chia sẻ như vây khi đề cập đến ngành sợi và may năm nay. Tuỳ từng mặt hàng, mức độ chịu tác động của suy thoái kinh tế trong ngành khác nhau. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì các doanh nghiệp dệt may đều bị giảm đơn hàng. Thậm chí, có những đơn vị hàng nghìn lao động chỉ nhận được đơn vài trăm hoặc nghìn chiếc áo.
Chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ lẻ hoặc nhận những mặt hàng không đúng sở trường, thế mạnh, chẳng hạn có đơn vị chuyên gia công quần nay nhận làm áo. Không chỉ vậy, giá gia công cũng giảm một nửa, từ 1,7 – 1,8 USD phí gia công một chiếc áo sơ mi thì này chỉ còn 0,7-0.8 cent. Nhiều khó khăn, thách thức nhưng doanh nghiệp không từ chối bởi mong muốn lớn nhất hiện nay là duy trì sản xuất, có việc làm cho người lao động.
Chưa bao giờ doanh nghiệp khó như lúc này cũng là nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) khi đơn hàng đang giảm khoảng 30% trong khi cạnh tranh đơn hàng giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.
Hai thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày là Mỹ và EU, chiếm tỷ trọng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường Mỹ đã cắt giảm 30% đơn hàng, thị trường EU hơn 20%. Sự sụt giảm này đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo ngành da giày dự báo khó khăn còn kéo dài hết quý II, từ quý III và quý IV thị trường mới có tín hiệu phục hồi nhưng ở mức độ tốt hơn chứ chưa kỳ vọng tạo đột phá. Cũng như dệt may, năm nay, kế hoạch ngành da giày đề ra khó hoàn thành, mức độ suy giảm dự báo khoảng 10%.
Trước khó khăn chung của thị trường toàn cầu, các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp đang xoay xở nhiều cách để có đơn hàng từ các đối tác mới, thị trường ngách. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, thị trường châu Á thời gian qua đã có tín hiệu xuất khẩu tích cực với mức tăng trưởng 10%. Tuy thị phần không lớn, khó có thể bù đắp được mức sụt giảm ở các thị trường trọng điểm nhưng góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Trao đổi với DĐDN, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh dự báo thị trường, tìm kiếm đối tác ở những phân khúc thị trường riêng như thị trường của các nước khu vực SNG, thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc. Bên cạnh đó, thúc đẩy chiến lược phát triển đáp ứng đòi hỏi của các nước nhập khẩu: đầu tư sản xuất sơ, xợi, nhất các sản phẩm sơ/vải tái chế; tăng dần tỷ trọng nội địa hoá nguyên phụ liệu may mặc, chủ động nguồn cung trong nước để có thể khai thác lợi ích từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hoá…
Chuẩn bị nội lực đón cơ hội phục hồi
Nhận định về triển vọng kinh tế những tháng cuối năm nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ gần đây cho thấy những quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ Chính phủ. Lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do trong nửa cuối năm nay. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ làm tăng thêm cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đầu tư và du lịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh nhiều hơn đến việc chủ động chuyển đổi sản xuất, mở rộng thị trường của doanh nghiệp cũng như tăng tính liên kết hướng tới tự chủ hơn.
Theo ông Andreas Stoffers – Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation, các doanh nghiệp cần đầu tư, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện ngân sách của mình để nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu thích ứng và đáp ứng nhu cầu của thị trường, không để phụ thuộc vào bất kỳ thị trường hay mặt hàng nào.
Chia sẻ về sự thay đổi trong nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân châu Âu – một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, bà Svenja Hahn – nghị sĩ Nghị viện châu Âu khuyến cáo, các doanh nghiệp chú trọng vấn đề liên quan đến các yếu tố bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế bền vững trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đó là yếu tố quan trọng nhất để chinh phục khách hàng tại các thị trường tại đây.
Trước đó, trao đổi về nội dung này, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết: một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là sản xuất xanh hơn, giảm phác thải cácbon, trong đó quan trọng nhất là dấu vết cácbon trong hàng hoá xuất khẩu. Gần đây, các doanh nghiệp đã đưa ra cam kết và thoả thuận liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng năng lượng tái tạo. Đây cũng là vấn đề được người tiêu dùng châu Âu và Anh quan tâm khi quyết định mua sản phẩm hàng hoá nhập khẩu.
Bà Carolyn Turk cho biết thêm, trên điện thoại của người tiêu dùng Anh có ứng dụng kiểm tra tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, phác thải cácbon nhiều hay ít… trên mỗi sản phẩm hàng hoá nhập khẩu. Từ thông số được hiển thị trênứng dụng, người tiêu dùng sẽ đưa ra quyết định mua sắm và chỉ quan tâm đến các sản phẩm thân thiện môi trường.
Vì vậy, để tăng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đã và đang thay đổi, các doanh nghiệp cũng thay đổi, chủ động nguyên liệu nội địa theo hướng xanh hơn đáp ứng quy định hàm lượng nội địa hóa tối thiểu tận dụng tối đa lợi thế từ 16 FTA đang có hiệu lực, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.