Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10/2021 cụ thể như sau: 97,36 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 9,21 USD/thùng, tương đương tăng 10,44% so với kỳ trước); 100,38 USD/thùng xăng RON95 (tăng 10,13 USD/thùng, tương đương tăng 11,23% so với kỳ trước); 95,20 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 7,44 USD/thùng, tương đương tăng 8,48% so với kỳ trước); 94,56 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,50 USD/thùng, tương đương tăng 7,39% so với kỳ trước); 497,097 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 4,482 USD/tấn, tương đương tăng 0,91% so với kỳ trước).
Ở trong nước, tình hình dịch bệnh mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn có diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá (BOG) ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg (cụ thể mức chi Quỹ BOG từng kỳ đối với từng loại xăng dầu theo phụ lục gửi kèm). Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, duy trì công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG) để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, Liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định tăng chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92, chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng RON95, giữ nguyên mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, không chi Quỹ BOG đối với dầu mazut và điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Do việc sử dụng công cụ Quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới (giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%).
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thế giới tăng "phi mã". Ở trong nước, giá xăng dầu không tăng quá sốc bởi các doanh nghiệp đã liên tục chi từ Quỹ BOG khiến quỹ BOG của các doanh nghiệp âm sâu, ví dụ Petrolimex âm khoảng 700 tỷ đồng, PV OIL âm 200 tỷ đồng... Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế cho mặt hàng này để kìm đà tăng của giá khi dự báo từ nay đến cuối năm, giá xăng dầu thế giới sẽ liên tục tăng cao.