Theo Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích từ 2ha đến 5ha (trước kia là 10ha) trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng quy định này dẫn đến khó khăn cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, làm cho ước mơ mua nhà của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp đang thực sự xa vời.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới để khắc phục tình trạng thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư đủ mạnh để đầu tư nhà ở xã hội, đồng thời có chính sách hỗ trợ mang tính khả thi cho đối tượng mua nhà ở xã hội và xử lý tình trạng đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định.
Bộ Xây dựng cho biết quy định về dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội đã góp phần tăng nguồn cung quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, gián tiếp tăng nguồn cung nhà ở xã hội và góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp có cơ hội mua, thuê, thuê mua nhà ở.
Liên quan đến nguồn vốn ưu đãi, Bộ Xây dựng cho biết sau khi gói 30.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội kết thúc năm 2016 thì ngân sách nhà nước không đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội.
Theo số liệu báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nhu cầu vốn hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 18.977,5 tỉ đồng (trong đó vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỉ đồng; vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội là 9.977,5 tỉ đồng).
Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ được phân bổ 2.163 tỉ đồng (mới chỉ đạt 24% so với nhu cầu giai đoạn 2016-2020). Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, vì vậy trong giai đoạn 2016-2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, tại Nghị quyết số 43/2022 và Nghị quyết số 11/2022, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành 2 gói hỗ trợ tín dụng để phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ dồng.
Hai là cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Tổng nguồn vốn để bù lãi suất là 40.000 tỉ đồng.
Đối với gói cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, đến ngày 15.5.2022, đã giải ngân được 140 tỉ cho 749 khách hàng.
Đối với gói cho vay doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, trình ban hành Nghị định số 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Ngay sau khi Nghị định số 31/2022 được ban hành, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương lập danh mục và nhu cầu vay vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để tổng hợp, công bố theo quy định.
Cũng theo Bộ Xây dựng, để khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội và Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như: miễn, giảm tiền sử dụng đất; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá thi hành Luật Nhà ở năm 2014 thì các chính sách ưu đãi trên vẫn chưa thực sự đủ mạnh để thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi Luật Nhà ở trình Quốc hội vào tháng 6 năm 2023.
Liên quan đến giải pháp xử lý tình trạng đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, vừa qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Theo đó, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 đã bổ sung và quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.