Giải pháp nào huy động vốn cho doanh nghiệp trong tình hình mới?

Theo kết quả khảo sát của VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% DN thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh. Vậy, giải pháp nào cho doanh nghiệp huy động vốn, phát triển kinh doanh?
Theo các chuyên gia tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) tổ chức mới đây, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp (DN), nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang có tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, theo kết quả khảo sát của VCCI, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% DN thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.

vcci
Giải pháp nào cho doanh nghiệp huy động vốn, phát triển kinh doanh? )

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng chỉ ra vấn đề: Nếu ngân hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng cho DN thì có thể bị thiếu thanh khoản do DN khó trả nợ do dịch bệnh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu, làm suy yếu hệ thống ngân hàng.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch VEC nhận định, doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường thay đổi và bất ổn như biến đổi khí hậu toàn cầu, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và khó lường cùng nhiều thách thức khác như an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng… có nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện nay đang rất lớn.

Tuy nhiên, do cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán). Song song đó, dịch COVID-19 cũng đang tạo nên làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam, nên các doanh nghiệp rất cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Phân tích thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, điểm yếu là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để đảm bảo nguồn vốn, các ngân hàng buộc phải đi vay nguồn vốn ngắn hạn chủ yếu từ dân cư để cho vay trung và dài hạn. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía doanh nghiệp là phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp…

Trong khi đó thị trường tín dụng đang chịu áp lực lớn do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN. Mặc dù, về lý thuyết ở các nước nói chung, thị trường chứng khoán là kênh duy động vốn hiệu quả song việc huy động vốn của DN thông qua thị trường này ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

Do đó, yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn có ý nghĩa quyết định đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân tích thêm về những xu hướng mới để thu hút vốn đầu tư của các DN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch VEC đánh giá rất cao về hệ thống tiền mã hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Hiện có trên 40 ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nghiên cứu loại tiền này.

Về xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là xu hướng không mới ở trên thế giới, nhưng số lượng các nước triển khai cũng không phải quá nhiều. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho vấn đề này hầu như chưa có, vẫn còn khá nhiều rủi ro, thậm chí có trường hợp “sập sàn”, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư. Chính phủ đã sớm có chỉ đạo các cơ quan quản lý của Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước có tổ nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, Bộ Tài chính cũng có tổ nghiên cứu về tiền tảo, tài sản ảo.

“Các cơ quan quản lý cần mạnh mẽ và xây dựng các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn. Tiến độ tiếp cận vẫn còn chưa đủ nhanh so với diễn biến, trong thời gian tới, cần có đẩy nhanh việc thiết kế chính sách và có quan điểm, cơ chế rõ ràng về lĩnh vực này”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh, Công ty cổ phần Chứng khoán HSC cũng đề xuất một số giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp. Theo đó, niêm yết trên UPCOM và huy động tài chính từ thị trường giao dịch chứng khoán được coi là hiệu quả đối với những doanh nghiệp có vốn dưới 30 tỷ đồng. Hay, việc tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm… cũng được đề xuất tham khảo.