“Gỡ khó” cho câu chuyện huy động vàng trong dân

Linh Nguyễn

04/10/2021 09:37

Theo dõi trên

Lượng vàng lưu trữ trong nhân dân là một nguồn lực tài chính đầy tiềm năng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên việc huy động số vàng này đang gặp nhiều khó khăn do một số quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã để lại những tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, đặc biệt là nền kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để huy động nguồn lực tài chính từ nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế hậu COVID-19.

R (2)~1

Vàng lưu trữ trong dân là một nguồn lực tài chính tiềm năng 

Hiện nay tại Việt Nam, vàng được quản lí theo Nghị định 24 của Chính phủ ban hành năm 2012. Tại thời điểm đó thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường tạo ra các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, Nghị định 24/NĐ-CP được ban hành đã phát huy hiệu quả và góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.

Thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước đây. Giá vàng ổn định không làm biến động nền kinh tế vĩ mô, vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao. Bên cạnh đó, tình trạng vàng hóa được ngăn chặn và vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán.

Tuy nhiên, sau 10 năm thì Nghị định này đã không còn phù hợp và tạo ra nhiều rào cản trong việc huy động nguồn vốn bằng vàng.

Đơn cử, tại Khoản 3, Điều 4 của Nghị định 24 về “Nguyên tắc quản lý” quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

Để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

Thực tế, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều không trực tiếp kinh doanh, chỉ quản lý và kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước trở thành “đơn vị kinh doanh” không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là kiến tạo chính sách.

Việc Nhà nước độc quyền vàng miếng còn khiến cho việc lưu thông vàng trên thị trường gặp khó khăn.

Nếu trước nghị định 24, người dân được tự do quyết định thì hiện nay người dân chỉ được mua bán cho các đơn vị có giấy phép kinh doanh vàng và với giá cả theo ấn định của ngân hàng nhà nước, không được mua bán trên thị trường tự do.

Ngoài ra, theo Nghị định 24 thì thực tế vàng miếng và vàng nguyên liệu chỉ khác nhau ở thương hiệu. Vàng nguyên liệu chỉ qua đóng dấu thương hiệu đã thành vàng miếng nhưng chênh lệch giá giữa 2 loại vàng này rất lớn, có thời điểm lên đến 7 - 8 triệu đồng/lượng. Đây là điều cực kỳ vô lý, phản lại kinh tế thị trường.

Sự chênh lệch giá này kéo theo vấn nạn buôn lậu vàng ngầm mà hệ lụy của nó là ngoài thất thu thuế, gây vàng hóa, còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao.

Bên cạnh đó, việc không có sàn giao dịch vàng, người dân phải bán vàng tích trữ là vàng nguyên liệu cho các đơn vị được ngân hàng nhà nước cấp phép là thiệt thòi cho người dân và làm tắc nghẽn các giao dịch vàng.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH khóa XIV

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội

Trao đổi về vấn đề này, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, pháp luật Việt Nam chưa thực sự có một cơ chế nào để khuyến khích người dân mang vàng hay các tài sản quý khác để đầu tư. Ông cho rằng, đã đến lúc cần xóa bỏ Nghị định 24 và xây dựng pháp lệnh riêng về kim loại quý đá quý.

Bên cạnh đó, cần có một cơ chế liên thông để xử lí mối quan hệ giữa vàng, các kim loại quý với tiền giấy. Việc thiết lập các sàn giao dịch vàng và kho dự trữ có tầm cỡ quốc gia/quốc tế là việc làm cần thiết để việc lưu thông vàng trong thị trường được dễ dàng hơn.

3

TS. LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Pháp luật 

Đồng tình với quan điểm trên, TS. LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách & Pháp luật cho biết, dưới góc độ luật pháp, thì ít nhất cần phải có 1 pháp lệnh về thị trường vàng. Một khi pháp lệnh được ban hành thì tính hiệu lực là rất cao. Nó sẽ mang lại niềm tin cũng như trật tự pháp lí với thị trường vàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì nhận định, để có thể huy động được vàng lưu trữ trong dân, cách duy nhất là chính Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra để huy động và phát hành chứng chỉ vàng (gold certificate). Đồng thời phải trả một lãi suất nào đó trên chứng chỉ vàng để người dân được hưởng lãi trên số vàng họ gửi cho Ngân hàng Nhà nước.

Chứng chỉ vàng của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ tạo niềm tin lớn hơn nhiều so với gửi vàng tại bất cứ một tổ chức kinh tế nào, ngay cả gửi vào tại ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh một điều rằng vấn đề thanh toán chứng chỉ vàng phải rất nhanh nhạy và chứng chỉ vàng là cam kết của Ngân hàng Nhà nước trả lại số vàng cho người dân mà họ đã gửi. Phải bảo đảm số vàng mà người dân nhận trở lại là đúng với chất lượng vàng như lúc người dân đã nộp vào.

Tức là, vàng lúc đầu vào phải được kiểm nghiệm và phải được được một số tiêu chí để khi tới đáo hạn thì Ngân hàng Nhà nước trả lại cùng với số lượng và tất cả tiêu chí định lượng, định tính như thế để trả lại cho người dân. Chỉ có như vậy thì mới tạo được niềm tin cho người dân, để họ có thể sẵn sàng bỏ vàng ra để đầu tư thay vì để vàng nhàn rỗi.

Vàng nhàn rỗi trong dân luôn là một nguồn lực tài chính vô cùng tiềm năng. Thế nhưng, làm thế nào để người dân tin tưởng trao khoản tiết kiệm lớn lao đó cho Nhà nước vẫn là bài toán mà chúng ta chưa thực hiện được. Đã đến lúc cần có những thay đổi mới, những văn bản pháp luật cao hơn đủ sức huy động tài sản quý giá của người dân để làm nguồn lực phát triển nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết "“Gỡ khó” cho câu chuyện huy động vàng trong dân" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com