Hà Nội đầu tư 2.300 tỉ đồng xây nút giao Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long

Công trình được UBND TP. Hà Nội phê duyệt bao gồm các nhánh kết hợp hầm trực thông dài 975m chui qua Đại lộ Thăng Long, tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.384 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

vanh-dai-3-5-dai-lo-thang-long-1669114549.jpg

Hình minh họa

UBND TP.Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức).

Quy mô dự án sẽ xây dựng nút giao gồm các nhánh kết hợp hầm trực thông. Trong đó, hầm chui trực thông theo hướng Lê Trọng Tấn đi quốc lộ 32, bố trí 4 làn xe với tổng chiều dài 975m. Đoạn đi dưới Đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín dài 150m; phía đường Lê Trọng Tấn thiết kế hầm hở dài 157,5m, tường chắn dài 220m; phía quốc lộ 32 thiết kế hầm hở dài 157,5m, tường chắn dài 200m.

Phần còn lại là gờ chắn bánh; cầu nhánh dầm bản bê tông cốt thép, bề rộng cầu 8,8m bố trí 2 làn xe cơ giới, tường chắn bê tông cốt thép.

Ngoài ra, dự án cũng gồm hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh, hào cáp kỹ thuật.

Tổng kinh phí dự toán để thực hiện dự án là khoảng 2.384 tỉ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội được giao làm chủ đầu tư dự án, nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch.

Khi hoàn thành, dự án sẽ phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông qua khu vực.

Dự án Đường Vành đai 3,5 được khởi công tháng 10/2017 là tuyến giao thông kết nối giữa phía Bắc và Nam sông Hồng, đi qua một số quận, huyện, tạo thành vành đai phía Tây Thủ đô. Dự án được chia thành 2 đoạn thành phần: đoạn 1 từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 dài 3,8km và đoạn 2 từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8 km, tổng đầu tư hơn 5.600 tỉ đồng.

Tuyến đường có chức năng kết nối nhiều trục hướng tâm quan trọng của thành phố, như: Trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì, quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6, quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.