Hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang cả thập kỷ
Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, thành phố đang có 383 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất, có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; đáng chú ý, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Hai năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Kết quả, Sở đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha. Trong đó, Mê Linh có 5 dự án, huyện Thạch Thất có 10 dự án, huyện Ba Vì có 2 dự án; quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm có 3 dự án…
Thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, huyện Mê Linh hiện có 47 dự án bất động sản nhưng chỉ có 5 - 6 dự án đã hoàn thiện hạ tầng như khu đô thị Cienco 5; khu đô thị Hà Phong… Số dự án còn lại phần lớn bị bỏ hoang, trong đó có nhiều diện tích đất nông nghiệp.
Ông Lê Văn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, nguyên nhân của các dự án chậm là do phải chờ điều chỉnh Quy hoạch chung của Thủ đô thời gian kéo dài 6 năm (2008 - 2014). Năm 2015, quy hoạch khung mới được phê duyệt, các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng dự án. Thêm nữa, các dự án này được lập và triển khai từ thời kỳ ở Vĩnh Phúc. Sau khi Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội năm 2008, cơ chế giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội có sự thay đổi, do đó công tác triển khai chậm do việc áp giá đền bù, áp tiền sử dụng đất bị chênh lệch. Để tháo gỡ cho các dự án, UBND huyện Mê Linh đã nhiều lần họp với toàn bộ các doanh nghiệp, các chủ đầu tư của các dự án đề rà soát và báo cáo thành phố xem xét hướng giải quyết sớm cho các dự án.
Chế tài xử phạt chưa khả thi
Theo quy định của pháp luật, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất, thì sẽ được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi.
Thế nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư đã đưa ra nhiều lý do để trốn tránh việc thu hồi dự án. Như xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian “đắp chiếu” dự án. Do đó, việc thu hồi dự án hiện tại gặp rất nhiều vướng mắc.
Là địa phương có nhiều dự án trong tình trạng này, Phó Chủ tịch Lê Văn Khương kiến nghị, với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không có năng lực, thành phố cần thu hồi để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các Sở, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư, thủ tục liên quan đến giao đất, thu hồi giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết tình trạng nhiều dự án bị bỏ hoang, mới đây TP. Hà Nội đã đề xuất đánh thuế hoặc xử phạt nặng đối với chủ sở hữu các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, không đưa vào sử dụng.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản chỉ đạo về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả; báo cáo UBND thành phố trong tháng 8/2021 để xem xét, chỉ đạo.
Cụ thể, thành phố đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị.
Việc đánh thuế sẽ giúp gây áp lực để buộc chủ dự án phải sớm đưa dự án vào khai thác, tuy nhiên, vấn đề thu thuế có sớm khả thi hay không, phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản cho rằng, hơn 10 năm nay, đề xuất đánh thuế bất động sản bỏ hoang vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn, bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. Bên cạnh đó, hiện đang có một khoảng trống lớn về cơ sở dữ liệu đất đai dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và bỏ lọt các đối tượng chịu thuế.
“Phạt, đánh thuế, thu hồi dự án, quy trách nhiệm không chỉ với chủ đầu tư, mà cả với cơ quan quản lý để xử lý dự án treo, bất động sản bỏ hoang…, các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dự án treo để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được Hà Nội một lần nữa đưa ra. Điều này càng trở nên cấp thiết trước thực tế hiện nay, quỹ đất tại Hà Nội để phát triển hạ tầng phúc lợi còn eo hẹp, nhưng diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông” - ông Đính nhấn mạnh.