VPBank, Techcombank “chạy nước rút” vào câu lạc bộ ngân hàng có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng

Hai ngân hàng tư nhân hàng đầu – VPBank và Techcombank – đang bước vào cuộc đua tăng tốc với mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc tổng tài sản 1 triệu tỷ đồng. Trong khi VPBank gây chú ý với kế hoạch tăng trưởng tín dụng “khủng”, thì Techcombank chọn hướng đi chắc chắn hơn, tập trung vào hiệu quả lợi nhuận.

image-20250415165510-1-1-1744767269.jpeg

VPBank, Techcombank muốn vào câu lạc bộ ngân hàng có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng.

Tham vọng vượt ngưỡng lịch sử

Trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố những mục tiêu táo bạo, đánh dấu tham vọng trở thành một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam cán mốc tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng.

Cụ thể, VPBank đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên đến 25%, đưa dư nợ cấp tín dụng lên 887.724 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024 – mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này.

Tổng tài sản dự kiến sẽ vượt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng gần 209.000 tỷ đồng chỉ trong một năm – tương đương tăng trưởng trung bình hơn 52.000 tỷ đồng mỗi quý. Nếu đúng lộ trình, VPBank có thể chạm mốc triệu tỷ ngay trong nửa đầu năm, trở thành ngân hàng tư nhân thứ hai.

Trong khi VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, Techcombank chọn mức thận trọng hơn – 16,4%, nhưng lại đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn – 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024 và là mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này.

Dù không đưa ra mục tiêu huy động cụ thể, ngân hàng cam kết sẽ chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp, tối ưu bảng cân đối kế toán.

Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 21,38 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ Techcombank sẽ tăng nhẹ, lên hơn 70.862 tỷ đồng.

Về tổng tài sản, dù không công bố chỉ tiêu chính thức, nhưng số liệu cho thấy Techcombank đang tiến rất gần cột mốc 1 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 979 nghìn tỷ đồngtăng hơn 129.000 tỷ đồng (tương đương 15,2%) so với đầu năm. Riêng quý IV/2024, tài sản ngân hàng này tăng thêm gần 52.000 tỷ đồng – một con số đáng nể. Nếu đà tăng này được duy trì, Techcombank hoàn toàn có thể vượt mốc 1 triệu tỷ ngay trong quý I/2025, sớm hơn VPBank và lập dấu mốc lịch sử trong khối ngân hàng tư nhân Việt Nam.

Liệu có khả thi?

Tiêu chí

VPBank

Techcombank

Mục tiêu tài sản 2025

1,13 triệu tỷ

Ước tính ~1 triệu tỷ

Mục tiêu lợi nhuận

25.270 tỷ

31.500 tỷ

Tăng trưởng tín dụng

25%

16,4%

Chiến lược vốn

Huy động tăng mạnh 34%

Linh hoạt, tập trung tối ưu nguồn vốn

Lợi thế

Tăng trưởng nhanh, mạnh về bán lẻ & tài chính tiêu dùng

Biên lãi ròng cao, vốn rẻ, khách hàng trung – cao cấp

Thách thức

Phụ thuộc vào FE Credit, rủi ro tín dụng cao

Tăng trưởng chậm hơn, thiếu đột phá quy mô

VPBank có tham vọng lớn, nhưng rủi ro không nhỏ. Về tăng trưởng tín dụng, mức tăng 25% là rất cao, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn siết chặt tín dụng ở nhiều phân khúc rủi ro (như bất động sản, tiêu dùng không đảm bảo…). Để đạt con số này, VPBank sẽ cần định hướng dòng vốn hiệu quả hơn vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực sản xuất, thương mại – nơi vẫn còn dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, mảng tài chính tiêu dùng đang chịu sức ép từ nợ xấu tăng, khiến lợi nhuận bị đe dọa nếu quản trị rủi ro không tốt.

Về huy động vốn, mục tiêu tăng 34% huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá, tương ứng hơn 742.000 tỷ đồng, sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất gay gắt. VPBank cần tối ưu hóa sản phẩm tiết kiệm và tăng cường huy động thông qua trái phiếu, kỳ hạn linh hoạt, hoặc từ khách hàng tổ chức.

Về lợi nhuận, VPBank có lợi thế từ mảng bán lẻ và tài chính tiêu dùng, nhất là nhờ FE Credit – một "cỗ máy tạo lợi nhuận" nếu được tái cấu trúc thành công sau giai đoạn suy giảm. Tuy nhiên, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng nếu phải đẩy mạnh huy động vốn lãi suất cao để nuôi tăng trưởng tín dụng.

Trong khi đó, Techcombank đi đường dài với chiến lược tài chính bền vững. Tỷ lệ CASA cao giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và duy trì lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn khiến khả năng vươn lên dẫn đầu về quy mô tài sản gặp giới hạn trong ngắn hạn.

Dù vậy, nhiều ngân hàng khác như MB, ACB, hay BIDV cũng đang lên kế hoạch tăng tốc. Áp lực này khiến biên lãi ròng suy giảm khi ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay để giữ thị phần.

Việc đẩy mạnh tín dụng để đạt mục tiêu có thể gây áp lực lên chất lượng khoản vay. Nếu không kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu có thể gia tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank đã có dấu hiệu tăng từ 2023. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ở mức 2,47%. Nếu ngân hàng mở rộng tín dụng quá nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản, rủi ro phát sinh nợ xấu cao có thể ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận ròng.

Mục tiêu của VPBank năm 2025 là rất tham vọng và nếu đạt được sẽ giúp ngân hàng khẳng định vị thế top đầu khối tư nhân. Tuy nhiên, áp lực tín dụng, rủi ro nợ xấu, hiệu quả hoạt động của FE Credit và môi trường kinh tế không thuận lợi có thể khiến VPBank khó hoàn thành trọn vẹn các chỉ tiêu.

Đây sẽ là năm “bản lề” để kiểm chứng thực lực tái cấu trúc của VPBank, đặc biệt sau thương vụ với Sumitomo Mitsui.

Năm 2025 có thể sẽ là bước ngoặt lịch sử của khối ngân hàng tư nhân khi cả VPBank và Techcombank cùng áp sát và có khả năng vượt mốc tài sản 1 triệu tỷ đồng – vốn là “sân chơi” của các ông lớn  như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank và MB.

Techcombank có thể về đích sớm hơn, nhưng VPBank không hề lép vế khi thể hiện khát vọng tăng trưởng bứt phá.