Theo Báo cáo tổng kết của UBND TP Hải Phòng, kể từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, căn cứ các văn bản của Chính phủ và các Bộ có liên quan, trên cơ sở các nội dung được phân cấp, UBND TP Hải Phòng đã thực hiện chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND thành phố ban hành 36 văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, làm cơ sở để thực hiện một cách đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật đất đai để các quy định của pháp luật tăng hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.
UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 07/3/2014 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Kế hoạch số 2822/KH-UBND ngày 26/4/2014 về tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Thành phố đã tổ chức 93 hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và nhân dân trên địa bàn thành phố; Biên soạn, in và phát hành hàng nghìn tờ gấp pháp luật tuyên truyền về chính sách pháp luật đất đai; Tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai được thực hiện rộng khắp, triệt để, thường xuyên và kịp thời.
Hiệu quả mang lại
Trên cơ sở thi hành Luật đất đai 2013, công tác Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất được thực hiện tốt là công cụ quan trọng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 25/5/2018 đã phản ánh sự phát triển vượt bậc của thành phố Hải Phòng trong giai đoạn này. Nhiều dự án, công trình lớn, trọng điểm cả về đô thị, kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp đều đồng loạt triển khai góp phần cải thiện môi trường đầu tư, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và phát triển kinh tế xã hội thành phố. Công tác giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án, công trình đều tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chỉ tiêu sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng hợp biến động diện tích đất theo mục đích sử dụng đất: Tại thời điểm kiểm kê đất đai, thành phố Hải Phòng có tổng diện tích tự nhiên là 15.2651,67 ha, giảm 3.523,8 ha so với kết quả kiểm kê đất đai năm 2014 và tăng 5.755,17 ha so với kết quả kiểm kê đất đai năm 2010.
Diện tích đất nông nghiệp của thành phố là 81.405,86 ha, giảm 3.180,35 ha so với năm 2014 và giảm 1.157,21 ha so với năm 2010. Diện tích đất phi nông nghiệp là 67.817,89 ha, tăng 4.433,61 ha so với năm 2014, tăng 7.234,98 ha so với năm 2010.
Kết quả việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thành phố Hải Phòng trong những năm qua. Việc áp dụng các quy định của Luật Đất đai linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt là cải tiến các khâu trong công tác giải phóng mặt bằng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn làm thay đổi môi trường đầu tư của thành phố.
Đến nay, thành phố Hải Phòng đã cấp 521.489/544.364 Giấy chứng nhận cần cấp (đạt 95,8 % tổng số thửa cần cấp) cho hộ gia đình cá nhân làm nhà ở. Đã cấp là 5.854 Giấy chứng nhận cho các tổ chức, đạt 84,8 % so với tổng số thửa cần cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, trong đó: Đối với tổ chức kinh tế, thành phố Hải Phòng đã cấp 3.370/3.607 Giấy chứng nhận, đạt 93,1% tổng số thửa cần cấp; Đối với đất tôn giáo, tín ngưỡng đã cấp 293 thửa vào mục đích tôn giáo, tín ngưỡng với tổng diện tích 80,04 ha.
Đối với đất quốc phòng, hiện Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đang quản lý 617 điểm đất quốc phòng với tổng diện tích là 708,26 ha, trong đó: đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 92 điểm (452,7 ha); còn 525 điểm (255,56 ha) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu là các công trình đất quốc phòng nằm độc lập, riêng lẻ như lô cốt, hầm, hào…
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Về phân loại đất: Đề xuất thống nhất xác định là đất thương mại dịch vụ đối với các dự án nhằm mục đích thương mại, kinh doanh dịch vụ ngoài đầu tư công.
Về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Quy định về lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp tại Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 gây khó, vướng mắc trong trường hợp phát sinh những dự án, công trình cần thiết để phát triển kinh tế-xã hội địa phương nhưng lại không điều chỉnh được quy hoạch sử dụng đất.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung: Nội dung này cần phải được điều chỉnh để áp dụng linh hoạt trong việc thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Cần quy định rõ trong trường hợp phát sinh các công trình, dự án được HĐND tỉnh chấp thuận thông qua danh mục nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng (nếu có) thì được phép triển khai thực hiện các thủ tục về đất đai trước khi cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất: Luật Đất đai cần quy định cụ thể, rõ ràng đối với từng loại dự án như: dự án nhà ở (không phải là các khu đô thị mới), dự án đầu tư kinh doanh sân golf, dự án sản xuất kinh doanh, dự án có tính chất hỗn hợp, đa mục tiêu (nhất là các dự án công cộng đa mục tiêu đầu tư) để khi triển khai thực hiện được ngay, tránh tình trạng phải vận dụng trong quá trình thực hiện.
Quy định bổ sung đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Quy định bổ sung nội dung UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập danh sách các thửa đất cần thu hồi để tạo quỹ đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất làm căn cứ thực hiện thủ tục thu hồi, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung: Trong trường hợp này, Luật Đất đai nên quy định là phải đấu giá quyền sử dụng đất, coi đây là loại đất thương mại, dịch vụ; giá đất được xác định như giá đất thương mại, dịch vụ đối với trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu xin thuê đất để sử dụng vào mục đích y tế hoặc giáo dục có mục đích kinh doanh (Đất xây dựng cơ sở y tế, giáo dục thuộc loại đất xây dựng công trình sự nghiệp mà không phải là đất thương mại, dịch vụ theo phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai).
Quy định cụ thể việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng để làm nhà ở.
Giao HĐND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; thành phần hồ sơ và trình tự, thủ tục mất rất nhiều thời gian, trong khi Chính phủ đã quyết định chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa, đất rừng cho cấp tình trong quy hoạch sử dụng đất.
Chỉ quy định một phương pháp xác định giá đất duy nhất là phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì xác định trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Đối với việc xác định giá đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng, Luật nên quy định UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện xác định để góp phần cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.
Quy định việc xác định cụ thể loại hình dự án nào thì được phép đi thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án đầu tư và khi nào thì được phép đi thỏa thuận (có dự án đầu tư được chấp thuận theo Luật Đầu tư).
Về bộ máy tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc Sở theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP để làm căn cứ thực hiện công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường tại địa phương, trong đó có lĩnh vực quản lý đất đai theo hướng chuẩn hóa mô hình tổ chức ngành tài nguyên và môi trường ở Trung ương và địa phương.
Việc kiện toàn, sắp xếp các cơ quan quản lý đất đai ở mỗi địa phương cần phải xem xét, đánh giá đầy đủ tính đặc thù gắn với khối lượng công việc, tính chất phức tạp, tính liên ngành, liên vùng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Ưu tiên bổ sung biên chế theo vị trí việc làm, đảm bảo tương xứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị về quản lý đất đai tại địa phương.