Hàng loạt dự án BT của nhiều “ông lớn” bất động sản phải dừng đầu tư

Tâm An

09/05/2023 15:23

Theo dõi trên

91 dự án dự kiến thực hiện theo hình thức BT tại Hà Nội phải rà soát, dừng công tác chuẩn bị đầu tư.

hang-loat-du-an-bt-cua-nhieu-ong-lon-bat-dong-san-bi-dung-dau-tu-pld-1683620455.jpg

Ảnh minh hoạ

Liên quan đến công tác quản lý quỹ đất dự kiến khai thác để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030, thành phố Hà Nội cho biết đã rà soát quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng hiện nay không đủ điều kiện triển khai theo quyết định của Luật Đầu tư.

Qua rà soát, UBND TP. Hà Nội cho biết kết quả có 91 dự án BT phải tiến hành rà soát, dừng công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó, có 39 dự án BT đã xác định được quỹ đất dự kiến đối ứng, khoảng 5.794ha, gồm 3ha (1 dự án) đã giải phóng mặt bằng; 12,47ha (2 dự án) là trụ sở làm việc thuộc địa phương quản lý; 5.778,53ha (36 dự án) chưa giải phóng mặt bằng.

52 dự án BT chưa xác định rõ ranh giới, quy mô quỹ đất đối ứng/quỹ đất đối ứng chưa phù hợp/chồng lấn ranh giới dự án.

Trong số 39 dự án BT đã xác định được quỹ đất dự kiến đối ứng, có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản như: dự án đường vành đai 3,5, đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do liên danh Eurowindow Holding, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và phát triển Đông Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thế Vinh đề xuất. Quỹ đất đối ứng dự kiến 176ha thuộc một phần ô quy hoạch C1 của phân khu S5 xã Đại Áng (huyện Thanh Trì);

Dự án vành đai 4, đoạn từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến quốc lộ 32, đoạn từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Tập đoàn T&T đề xuất, dự kiến đối ứng hơn 1.000ha tại các khu đất trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm.

Dự án Vành đai 3,5 - xây dựng nút giao giữa Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long do Công ty CP Him Lam đề xuất. Quỹ đất dự kiến thanh toán là 320ha, nằm ngoài đê tả sông Hồng (từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì) trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm).

Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn – Hương Sơn do Liên danh Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (ICID) đề xuất. Quỹ đất dự kiến thanh toán là hơn 310ha, tại khu du lịch Quan Sơn (Mỹ Đức).

Dự án Vành đai 2,5  – Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ do Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) đề xuất. Quỹ đất dự kiến đối ứng là 111,8ha tại khu đất thuộc phân khu N7 và phân khu N9, huyện Đông Anh.

Dự án Trục Tây Thăng Long qua địa bàn huyện Đan Phượng do Công ty TNHH Đầu tư Louis Land đề xuất với đất dự kiến đối ứng là hơn 156ha tại khu đất vị trí S1, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Dự án xây dựng đường Tố Hữu kéo dài, dự kiến bố trí hơn 725ha trả cho nhà đầu tư tại khu đô thị mới Tây Nam An Khánh, khu đô thị nhà vườn sinh thái nông nghiệp Yên Nghĩa, khu đô thị nhà vườn sinh thái nông nghiệp Chương Mỹ - Quốc Oai…

Một số công trình trọng điểm khác là dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng do Him Lam đề xuất, quỹ đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư là 120ha; dự án cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất, dự kiến đối ứng hơn 62ha tại huyện Gia Lâm;

Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì, đoạn từ vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến quốc lộ 32 theo hình thức BT do liên danh Tổng công ty Cổ phần sông Hồng - Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Bông sen Vàng - Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Sông Hồng - Công ty Cổ phần Công nghệ Quốc giá có quỹ đất dự kiến đối ứng là 11ha tại ô E9, PKĐT S3 xã An Khánh, La Phù, Hoài Đức;

Dự án đường 70, đoạn từ Văn Điển đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Bitexco đề xuất có quỹ đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư là 3ha tại ô quy hoạch số 18 (quỹ đất 20%) nằm trong khu đô thị nam đường vành đai 3.

Trong số 52 dự án BT chưa xác định rõ ranh giới, quy mô quỹ đất đối ứng/quỹ đất đối ứng chưa phù hợp/chồng/lấn ranh giới dự án, có nhiều đoạn dự án của Vành đai 2,5; Vành đai 3; Vành đai 3,5; Vành đai 5.

Ngoài ra còn có nhiều công trình trọng điểm khác như: cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên do Sun Group đề xuất; dự án cầu Thượng Cát; cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng loạt dự án BT của nhiều “ông lớn” bất động sản phải dừng đầu tư" tại chuyên mục Giao thông. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com