Bất động sản sẽ tiếp tục loay hoay với nguồn vốn

Tâm An

04/01/2023 14:42

Theo dõi trên

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành AFA Capital, chuyên gia tài chính ngân hàng, dự báo nguồn vốn đổ vào bất động sản tiếp tục bị siết chặt và thị trường sẽ tái cơ cấu mạnh trong năm 2023.

bat-dong-san-se-tiep-tuc-loay-hoay-voi-nguon-von-pld-1672817960.jpg

Dự báo nguồn vốn đổ vào bất động sản tiếp tục bị siết chặt.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đi vào chu kỳ suy thoái do tác động kép của cuộc xung đột tiếp tục leo thang tại Nga và Ukraina, chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiểm soát lạm phát thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng chung và ngành bất động sản sẽ có một số điểm cần lưu ý.

Ông Tuấn cho rằng, nhà nước sẽ vẫn tiếp tục duy trì động thái siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản. Nguồn vốn FDI tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lãi suất USD cao và tỷ giá USD/VND nên khó tăng trưởng.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, nguồn nhiên vật liệu, chi phí xây dựng tiếp tục leo thang và lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng.

Một vấn đề lớn của ngành bất động sản đó là tình trạng lệch pha cung – cầu ngày càng trầm trọng. Giá bán sơ cấp liên tục tăng, vượt khỏi khả năng của phần lớn người mua có nhu cầu thực.

Theo một số thống kê, giá bán bất động sản ở một số khu vực và phân khúc nhất định hiện đang cao gấp 20-25 lần khả năng chi trả của người dân. Con số này được dự đoán vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“2023 sẽ là năm thị trường bất động sản tái cơ cấu mạnh mẽ theo xu hướng giảm các sản phẩm, dự án mang tính chất đầu cơ và tăng cường các sản phẩm phục vụ nhu cầu nhà ở là nhu cầu vẫn luôn lớn ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.

Ở góc độ Chính phủ, chuyên gia này cho rằng chúng ta có thể tham khảo nhóm giải pháp của Chính phủ Trung Quốc từ giải quyết khủng hoảng thanh khoản mà các công ty phát triển bất động sản phải đối mặt, cho đến nới lỏng yêu cầu thanh toán đối với người mua nhà trả góp nhằm làm các sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân được phát triển bền vững, từ đó ổn định được thị trường bất động sản để có thể ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia – nguyên phó Chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang đối diện với những nguy cơ bẩn ổn từ yếu tố pháp lý, yếu tố tài chính, yếu tố tâm lý cho đến những vấn đề bất cập trong công tác điều hành chính sách tài chính – tiền tệ, cộng thêm những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.

Bối cảnh đó đòi hòi những quyết sách “lạ mà quen”, đảm bảo tính chuẩn xác, khẩn cấp và dứt khoát hơn để cứu thị trường và nền kinh tế.

Ông Nghĩa cho rằng, cần giải quyết yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hiện nay, nhất là tình trạng giá bất động sản ở mức quá cao và số lượng dự án được cấp phép mới ít.

Muốn vậy, cần khẩn trương lập quy hoạch và chiến lược phát triển thị trường bất động sản gắn với nhu cầu của người dân để làm căn cứ cấp phép và phê duyệt các dự án mới.

Vấn đề hệ trọng hiện nay là khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam. Thời gian qua, lãi suất của Việt Nam xếp vào hàng cao nhất thế giới (lãi suất huy động cao nhất hiện nay khoảng 9,5%, lãi suất cho vay khoảng 13-14%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3%). Vậy làm thế nào để giảm được lãi suất?

Theo vị này, giải pháp đầu tiên là cần tăng cung thanh khoản tín dụng cho doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế. Giải pháp thứ hai là chọn lọc hơn nữa việc huy động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản không chủ trương khuyến khích huy động đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hàm ý là giúp doanh nghiệp Việt Nam vay tiền của nước ngoài chứ không huy động đầu tư trực tiếp. Nhu cầu vay lớn và dài hạn cần dựa vào nguồn vốn nước ngoài.

Đặc biệt, ông Nghĩa cho rằng, nguồn vốn vào thị trường bất động sản phải hướng đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho người có thu nhập trung bình trở xuống.

“Nếu không giải quyết được nhu cầu cho đại bộ phận người dân thông qua thị trường bất động sản thì nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng đình đốn dài hạn”, ông Nghĩa nói.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản sẽ tiếp tục loay hoay với nguồn vốn" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com