Khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới

03/03/2023 15:45

Theo dõi trên

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Cà phê Buôn Ma Thuột” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ theo Quyết định số 896/QĐ-SHTT ngày 14-10-2005. Kể từ thời điểm được cấp CDĐL đến nay, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ cà phê mang thương hiệu Buôn Ma Thuột, góp phần định vị cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giá trị của thương hiệu Buôn Ma Thuột 

Đắk Lắk là tỉnh chuyên canh cà phê, chiếm gần 30% diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc. Tính đến đầu năm 2023, Đắk Lắk có 210.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 550.000 tấn, với năng suất bình quân đạt 28,60 tạ/ha. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động trực tiếp và gần 200.000 lao động gián tiếp. Cà phê đang là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực và nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Đắk Lắk.

Trong những năm qua, thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung sản xuất sản phẩm cà phê chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, cà phê có chứng nhận hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận. Đến nay, sản lượng cà phê chất lượng cao của Đắk Lắk đạt khoảng 160.000 tấn, chiếm 28,77% tổng sản lượng cà phê hằng năm toàn tỉnh. Một trong những sản phẩm cà phê chất lượng cao của Đắk Lắk là cà phê sản xuất theo CDĐL Buôn Ma Thuột.

hoa-ca-phe-pld-1677833018.jpg
Kiểm tra mật độ hoa cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.

Theo vùng định danh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ thì cà phê định danh CDĐL Buôn Ma Thuột được trồng ở các huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Năng, Krông Bông, Krông Ana, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột. Quy trình, kỹ thuật từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến cho ra sản phẩm cà phê nhân và cà phê bột phải được thực hiện bảo đảm theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2005; đồng thời sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu từ vùng định danh mang thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Triều, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 12 đơn vị được cấp CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân, tổng diện tích đăng ký 12.968ha, 11.485 nông hộ và tổng sản lượng 41.589 tấn/năm. Trong 107.000ha cà phê đủ điều kiện được cấp và sử dụng CDĐL của tỉnh Đắk Lắk thì cà phê theo CDĐL Buôn Ma Thuột hiện chiếm hơn 38,31%.

Tìm hiểu thực tế việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) cho thấy, đây là doanh nghiệp Quân đội duy nhất tham gia sản xuất cà phê theo CDĐL Buôn Ma Thuột và được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đánh giá bảo đảm tốt các yêu cầu về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 cho biết, đến nay, toàn bộ 626,5ha cà phê trong vùng định danh của đơn vị đều được sản xuất theo CDĐL Buôn Ma Thuột. Điều đáng mừng là chính từ việc thực hiện nghiêm quy trình sản xuất cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột mà Công ty không chỉ có được sản phẩm cà phê chất lượng cao, mà còn nâng cao năng suất vườn cây, đời sống và thu nhập công nhân lao động có nhiều cải thiện. Cụ thể, niên vụ 2021-2022 vừa qua, mặc dù cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mất mùa, năng suất sụt giảm, nhưng vườn cây của đơn vị vẫn đạt năng suất 13 tấn quả tươi/ha. Thậm chí có vườn cây đạt 18 tấn quả tươi/ha như trường hợp công nhân Bùi Đình Chung ở đội 3. Ngoài ra, sản phẩm cà phê nhân theo CDĐL Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 còn được bán với giá cao hơn cà phê nhân xô ngoài thị trường khoảng 200 đồng/kg. Với sản phẩm cà phê bột của đơn vị, khi xuất khẩu ra thị trường thế giới thông qua khâu trung gian cũng có giá cao hơn 10%. Thực tế, qua 7 kỳ tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm cà phê nhân, cà phê bột của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 liên tiếp giành được Cúp Vàng chất lượng. Tại Hội thi cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ 4-năm 2022, sản phẩm cà phê của Công ty đoạt giải khuyến khích.

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”

Tỉnh Đắk Lắk đang khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê hạt rang và cà phê bột. Hiện tại có 8 đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL cho 218 tấn cà phê hạt rang và 150 tấn cà phê bột/năm. Các đơn vị này được sử dụng logo CDĐL Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê.

Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk mà trực tiếp là Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký bảo hộ quốc tế nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee”. Đến nay, nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột Coffee” đã được bảo hộ tại 32 quốc gia, trong đó: Bảo hộ dưới hình thức CDĐL tại 28 quốc gia, gồm 27 quốc gia trong khối EU và Thái Lan; bảo hộ dưới hình thức “Nhãn hiệu tập thể” tại 3 quốc gia: Trung Quốc, Singapore, Canada; và bảo hộ dưới hình thức “Tên gọi xuất xứ hàng hóa” tại Nga. Như vậy, cà phê theo CDĐL Buôn Ma Thuột đã và đang khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với những lợi ích nổi trội về kinh tế và thương mại, trong thời gian tới, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tập trung phát triển thêm hội viên là nông hộ, nhóm hộ nhằm mở rộng diện tích cà phê theo CDĐL Buôn Ma Thuột; tăng cường quản lý việc sản xuất và kinh doanh cà phê bền vững có chứng nhận, cà phê đặc sản, cà phê chế biến sâu, góp phần thực hiện có kết quả Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Đắk Lắk và Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng đến mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

Bạn đang đọc bài viết "Khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới" tại chuyên mục Du lịch. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com