Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều khó khăn

Để bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm an toàn cho người dân Thủ đô, việc giám sát chặt chẽ hoạt động giết mổ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mặc dù các cấp các ngành đã vào cuộc quyết liệt, nhưng việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ vẫn gặp không ít khó khăn.
viec-quy-hoach-co-so-giet-mo-tap-trung-da-gop-phan-bao-dam-an-toan-vstp-pld-1720672156.jpg
Việc quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung đã góp phần bảo đảm an toàn VSTP. Ảnh: VGP/TT.

Theo Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y, hiện Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tốp đầu cả nước, với đàn gia cầm 40,6 triệu con, đàn lợn 1,45 triệu con, đàn bò 127 nghìn; đàn trâu 29,3 nghìn con; hình thành các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn, với 162 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm.

Theo số liệu thống kê đến tháng 5/2024, Hà Nội có 718 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 89 cơ sở có giết mổ trâu bò; 212 cơ sở có giết mổ lợn, 410 cơ sở có giết mổ gia cầm; 1 cơ sở vừa giết mổ lợn và gia cầm; 06 cơ sở giết mổ động vật khác. Trong đó, có 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm trong quy hoạch của thành phố.

Hiện nay, Chi cục đang quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ đối với 132 cơ sở giết mổ động vật trên cạn đã được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, chiếm 18,38% số cơ sở giết mổ của Thành phố, về sản lượng kiểm soát được 400 tấn, chiếm 44,44%-50% nhu cầu.

Thời gian qua, các huyện cũng đã tập trung thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt "Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội" với tổng số 29 cơ sở. Đến nay có 10/29 cơ sở đã được đầu tư, đang hoạt động hiệu quả (đạt 34,5% số cơ sở theo quy hoạch của Thành phố).

Đối với công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, năm 2023 tổng số động vật được kiểm soát giết mổ gần 16 triệu con, tăng 34,63%; 4 tháng đầu năm 2024, tổng số động vật được kiểm soát giết mổ gần 5,5 triệu con, tăng 30,13% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn. Hà Nội vẫn còn chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng chăn nuôi lớn; bên cạnh các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi quy mô lớn thì vẫn còn số lượng lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân bố ở hầu hết 18 huyện, thị xã vì vậy tình trạng giết mổ nhỏ, lẻ vẫn còn nhiều. Mặc dù, Hà Nội đã bàn hành Quyết định số 761/ QĐ-UBND ngày 17/2/2020 về việc phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay mới có 10/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của Thành phố đã được đầu tư, đang hoạt động sản xuất nhưng số còn lại đã tạm dừng và chưa có đầu tư.

Không chỉ vậy, trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ, chính quyền tại một số huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Các cơ sở giết mổ tập trung đã được đưa vào hoạt động, nhưng vẫn còn tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không phép dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ, nhiều cơ sở chưa đạt 50% công xuất.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn gốc, sản phẩm động vật tại các chợ, cơ sở buôn bán sản phẩm động vật còn lỏng lẻo, thiếu các biện pháp xử lý. Ngoài ra, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không được chính quyền địa phương cho phép. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại các địa phương còn chưa thực hiện tốt, đặc biệt là việc xử lý đối với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có giấy đăng ký hộ kinh doanh.

Tại nhiều địa phương, sự phối hợp giữa ngành thú y với các ngành có liên quan như: Y tế, Môi trường, Công an, Quản lý thị trường, Ban quản lý chợ chưa thực sự có hiệu quả. Việc phối kết hợp trong công tác chỉ làm theo từng đợt, chưa có cơ chế phối hợp thường xuyên, lâu dài giữa các ngành trong công tác quản lý giết mổ và kiểm soát tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên thị trường.

Theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội, để tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của nhân dân, thời gian tới các đơn vị cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư theo chỉ đạo của UBND Thành phố gắn với giết mổ tập trung, khép kín, giết mổ công nghiệp để từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phân bố ở hầu hết 18 huyện, thị xã, tiến tới giảm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công. Đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch tại Quyết định số 761/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội để rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Đối với địa phương đã có cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch đi vào hoạt động sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và có giải pháp triệt để đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; hỗ trợ kinh phí nhằm nâng cao hoạt động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật.