Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 11/9, cơ sở Bánh mì Phượng bán ra 1.920 ổ bánh mì. Sau khi dùng bánh mì từ cơ sở này, trưa cùng ngày, xuất hiện ca ngộ độc đầu tiên với các triệu chứng: Sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.
Cập nhật đến trưa 14/9, các bệnh viện, cơ sở điều trị tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã ghi nhận có 141 người ngộ độc, trong đó có 33 người nước ngoài. Ngoài ra cơ còn chức năng còn ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Hiện nay đa số các bệnh nhân đang điều trị cơ bản ổn định.
Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị liên quan tại Hội An điều tra nguyên nhân, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.
Đồng thời yêu cầu hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh để phục vụ công tác điều tra cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng và hướng dẫn cơ sở liên hệ với các cơ sở điều trị để chịu các chi phí cho việc điều trị người bị ngộ độc, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế đề nghị UBND TP. Hội An cùng các đơn vị liên quan giám sát việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở gây ngộ độc thực phẩm khi có kết luận điều tra.
Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.