Kiên Giang: Đề xuất 6 nhóm chính sách ưu đãi để phát triển thành phố Phú Quốc

6 nhóm chính sách ưu đãi được UBND tỉnh Kiên Giang gửi tới Chính phủ để thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Phú Quốc.

Theo tờ trình của Kiên Giang gửi Chính phủ, tỉnh này cho rằng, cơ chế ưu đãi nên xây dựng theo các nhóm chính sách toàn diện để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách trên cơ sở thực tế, tạo tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển kinh tế xã hội cho thành phố Phú Quốc xứng tầm khu vực, quốc tế.

6 nhóm chính sách ưu đãi được chính quyền Kiên Giang đề xuất nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Phú Quốc như chính sách về hạ tầng; quản lý phát triển nguồn lực; ưu đãi về tài chính, phát triển lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng và đầu tư, hợp tác quốc tế...

Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế phân quyền, giao quyền cho thành phố Phú Quốc để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, chi phí đi lại cho nhà đầu tư.

kiengiang

Tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính Phủ 6 nhóm chính sách ưu đãi để phát triển thành phố Phú Quốc. 

Trước đề xuất này của tỉnh Kiên Giang, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp các bộ rà soát cơ chế phát triển thành phố Phú Quốc hiện tại, và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố này.

Cũng theo tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng tới nay cơ chế, chính sách phát triển nơi này chưa vượt trội so với nhiều khu kinh tế khác trên cả nước.

Năm năm qua chưa có cơ chế đặc thù nhưng Phú Quốc đã trở thành một cực phát triển của tỉnh Kiên Giang. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố này đạt hơn 141.600 tỷ đồng (65% tổng vốn toàn tỉnh), thu hút được 321 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 340.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện cơ chế tài chính cho Phú Quốc vẫn áp dụng cơ chế phân bổ ngân sách cấp huyện theo Luật ngân sách nhà nước. Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công vẫn duy trì cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng vốn theo Luật đầu tư công nên chưa tạo được đột phá cho thành phố trong việc tự chủ và huy động các nguồn vốn khác cho phát triển hạ tầng.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tại khu kinh tế Phú Quốc đang thực hiện như chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chính sách sử dụng lao động, chính sách về đất đai, mua nhà ở và bất động sản..., giống với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế tại các địa phương khác. Do đó, thành phố Phú Quốc chưa thể đột phá trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố biển đảo.