Lãnh đạo tỉnh Bình Dương báo cáo Bộ trưởng Bộ giao thông về dự án đường Vành đai 4

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh bao gồm đường Vành đai 4 – TP.HCM, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
cau-thu-bien-pld-1676385279.png
Bình Dương đẩy mạnh các dự án giao thông liên kết vùng (hình minh họa)

Hướng tuyến, chiều dài đường Vành đai 4 qua Bình Dương

Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đã đẩy mạnh triển khái các dự án trọng điểm:

Dự án Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tổng chiều dài tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 48,3km, xuất phát từ tuyến là cầu Thủ Biên và điểm cuối tuyến là cầu vượt sông Sài Gòn.

Về tiến độ thực hiện, đến nay tỉnh đã đầu tư khoảng 22,64km. Đối với 25,66km đoạn tuyến chưa đầu tư, tỉnh lên phương án chia 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư theo phương thức PPP, gồm GPMB theo lộ giới quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành hai bên. Giai đoạn đoạn 2 đầu tư hoàn thiện 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp), xin lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức PPP.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng báo cáo về các dự án: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km thuộc dự án xây dựng Vành đai 3 - TP.HCM; Đường sắt Bàu Bàng đến Cảng Cái Mép - Thị Vải và việc thu hồi đất thuộc Ga Sóng Thần để đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương.

Nội dung báo cáo bao gồm quy mô, phương án đầu tư, quá trình triển khai cũng như kiến nghị, đề xuất đối với Bộ GTVT. Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT thống nhất về quy mô, phương án phân kỳ đầu tư của các dự án nêu trên đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh trong quá trình thực hiện các dự án nhằm đảm bảo các quy định hiện hành.

vanh-dai-4-binh-duong-pld-1676385279.jpg
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 - TP.HCM

Chỉ đạo của Bộ trưởng

Lắng nghe phần trình bày của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và đơn vị tư vấn, Bộ GTVT đã cùng có ý kiến, trao đổi để đưa ra phương án tốt nhất cho các dự án.

Đối với dự án Đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Dương đồng thời Bộ trưởng yêu cầu tỉnh lưu ý ý kiến của Vụ Kế hoạch Đầu tư và Cục Đường cao tốc.

Đối với Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Bộ trưởng thống nhất với phương án tỉnh đề xuất với 4 làn xe cao tốc, đề nghị nghiên cứu thêm làn dừng khẩn cấp.

Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Bộ GTVT sẽ cử các cơ quan chuyên môn phối hợp với tỉnh cùng triển khai thực hiện về quy mô, phương án đầu tư dự án.

Về các dự án đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cơ bản đồng tình với các phương án của tỉnh đề xuất. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cùng Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt VN, Ban QLDA Đường sắt sẽ có buổi làm việc với tỉnh để đưa ra phương án cụ thể.

Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An. Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Công trình được chia thành 5 dự án thành phần, do các địa phương liên quan thực hiện. Toàn bộ tuyến đường dự kiến hoàn thành và khai thác từ quý 1/2028.