Luật Việc làm cần kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội
Theo Cổng TTĐT Quốc hội, vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, với việc Luật Việc làm được ban hành năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động.
Luật Việc làm là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập.
Trước hết, một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Các quy định về đăng ký và quản lý lao động, về độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; Một số quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa được thông qua; Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 ...
Thứ hai, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số , thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử…
Phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững
Hiện nay, các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm: chính sách về tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tuy nhiên hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, do đó các chính sách đã không còn phù hợp và phát huy được hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức độ đáp ứng của hệ thống thông tin thị trường lao động, sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chất lượng, tính minh bạch, chuyên nghiệp của hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao; tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông.
Thêm vào đó, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Luật cũng thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phát kỹ năng nghề, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là nhân lực trình độ cao; tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quốc gia còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Thứ ba, một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 cần rà soát, sửa đổi theo khuyến nghị của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Việt Nam đã tham gia Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về dịch vụ việc làm mà Việt Nam trong đó nhấn mạnh dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống quốc gia bao gồm một mạng lưới các cơ quan dịch vụ việc làm địa phương hoặc vùng. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm hoạt động chưa có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hoạt động giữa các trung tâm còn hạn chế và chưa thể hiện nguyên tắc thống nhất về hoạt động nghiệp vụ.
Từ những phân tích trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.