Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật Việc làm

21/03/2024 22:16

Theo dõi trên

So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự thảo có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.

sua-doi-bo-sung-quy-dinh-ve-nguon-von-cho-vay-giai-quyet-viec-lam-pld-1711033963.jpg

Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 42-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Mở rộng tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn". Chỉ thị số 40-CT/TW khẳng định: "Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội", "Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả".

- Cơ sở thực tiễn:

Hiện nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm bao gồm: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do NHCSXH huy động và nguồn địa phương uỷ thác qua NHCSXH. Tuy nhiên, trong Luật Việc làm năm 2013 chỉ có các quy định về Quỹ quốc gia về việc làm. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chủ yếu đến từ 02 nguồn:

 (i) Nguồn huy động của NHCSXH, (chiếm tỷ trọng lớn nhất, có xu hướng ngày càng tăng (thông qua cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất) nhưng mới được quy định ở văn bản dưới Luật); 

(ii) Nguồn ủy thác của địa phương qua NHCSXH (chưa có quy định cụ thể nên nhiều địa phương gặp khó khăn khi ủy thác qua NHCSXH, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong đó quy định Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công thông qua việc giao Ủy ban nhân dân Thành phố ủy thác cho NHCSXH chi nhánh Thành phố thực hiện cho vay giải quyết việc làm).

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, bao gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH. 

Đồng thời bổ sung quy định Hội đồng nhân dân các cấp bố trí vốn ngân sách địa phương (vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác …), giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

 Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

- Cơ sở chính trị:

Chỉ thị số 20-CT/TW khẳng định: "Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm điều chỉnh bao quát các đối tượng, loại hình lao động".

- Cơ sở thực tiễn:

Luật Việc làm quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng trong khi thực tế một số nhóm đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và các đối tượng lao động khác chưa được quy định hoặc theo quy định của từng địa phương, chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.

Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài (theo hình thức thời vụ) nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: (1) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và (2) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; Sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên các đối tượng sau: Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; Người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Người lao động có đất thu hồi; Người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.

 Sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động

- Cơ sở chính trị:

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động"; Nghị quyết số 42-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Hiện đại hoá, chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm".

- Cơ sở thực tiễn:

Luật Việc làm đã quy định về nội dung thông tin thị trường lao động, thông tin đã được thu thập, cung cấp, tuy nhiên chưa có quy định về khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động. Thông tin thị trường lao động được thu thập, tổng hợp từ nhiều nguồn và do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện theo những mục tiêu khác nhau và không được tổng hợp, lưu trữ chung để phục vụ khai thác, quản lý chung.

Mặt khác, các quy định hiện nay trong Luật chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan thống kê, Ủy ban nhân dân các cấp) trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến thông tin thị trường lao động.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng: (1) Quy định khái niệm và chức năng của hệ thống thông tin thị trường lao động; (2) Sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường lao động, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật về thống kê và các quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

 Bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 42-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm".

- Cơ sở thực tiễn:

Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn hiện nay chỉ quy định điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ việc làm; chưa có quy định tiêu chuẩn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm (cả công và tư) trong khi đây là những người trực tiếp tư vấn, tiếp xúc với người lao động, người sử dụng lao động.

Điều 9 Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế về dịch vụ việc làm (Việt Nam đã tham gia) quy định: "1. Nhân sự của cơ quan dịch vụ việc làm phải gồm những viên chức nhà nước, có quy chế và điều kiện công tác để khiến họ không phụ thuộc bất cứ thay đổi nào trong Chính phủ và mọi ảnh hưởng không đúng đắn từ bên ngoài, và ngoại trừ những nhu cầu của dịch vụ để đảm bảo cho họ được ổn định trong công tác", "3. Những cách thức để kiểm tra năng lực do nhà chức trách có thẩm quyền quy định", "4. Các viên chức của cơ quan dịch vụ việc làm phải đào tạo thích hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình".

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ việc làm, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công thiết yếu về việc làm, đảm bảo tuân thủ Công ước mà Việt Nam đã tham gia, Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định liên quan tư vấn viên dịch vụ việc làm theo hướng: (1) Quy định về điều kiện tư vấn viên dịch vụ việc làm; (2) Điều kiện về đội ngũ quản lý và tư vấn viên dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu hoạt động dịch vụ việc làm.

Bổ sung quy định về đăng ký lao động

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 42-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Hiện đại hoá, chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm".

- Cơ sở thực tiễn:

Hiện nay chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Lực lượng lao động cả nước có 52,1 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, gần 34 triệu lao động (chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước) chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác (tính đến tháng 2/2024, đã thu thập dữ liệu khoảng 22,35 triệu lao động).

- Đề xuất bổ sung:

Bổ sung 01 Chương về đăng ký lao động bao gồm các nội dung: mục đích đăng ký lao động; nguyên tắc đăng ký và quản lý lao động; đối tượng đăng ký lao động; thông tin đăng ký lao động (gồm thông tin cơ bản; thông tin về việc làm; thông tin về trình độ chuyên môn; thông tin về BHXH, BHTN); hồ sơ đăng ký lao động; thủ tục đăng ký lao động; xóa đăng ký lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động; điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, tiết kiệm, Luật Việc làm chỉ quy định về điều chỉnh thông tin về việc làm, các thông tin khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành); hồ sơ điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động; chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về người lao động. 

Đồng thời, trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014[1], dự thảo Luật sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trong việc đăng ký, điều chỉnh thông tin của người lao động có quan hệ lao động.

Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề

- Cơ sở chính trị:

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao" là một trong 3 đột phá chiến lược; Nghị quyết số 42-NQ/TW chỉ rõ "Hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội"; Chỉ thị số 21-CT/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu: "Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới".

- Cơ sở thực tiễn:

Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề và phát triển kỹ năng của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao; nâng cao khả năng dịch chuyển việc làm trên thị trường lao động; thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động; giúp người sử dụng lao động tuyển, sử dụng nguồn lao động chất lượng, hiệu quả … Tuy nhiên, tại Việt Nam trên 70% lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề ở các bậc khác nhau nhưng chưa được công nhận.

Luật Việc làm hiện nay chủ yếu quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, chưa quy định rõ về phát triển kỹ năng nghề. Đồng thời, Bộ luật lao động năm 2019 có quy định về nội dung giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, tuy nhiên, chưa quy định cụ thể về mục đích, nội dung hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi, bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, theo hướng: (1) Quy định về mục đích, nội dung phát triển kỹ năng nghề; (2) Hoạt động hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề; (3) Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia

- Cơ sở chính trị:

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định "phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao" là một trong 3 đột phá chiến lược; Nghị quyết số 42-NQ/TW chỉ rõ "Hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp áp dụng cho các ngành nghề trong xã hội"; Chỉ thị số 21-CT/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu: "Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới".

- Cơ sở thực tiễn:

Hiện nay, hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia chưa được kiện toàn, quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực (nhân lực, thiết bị, tài chính), nhất là đội ngũ đánh giá viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng nên chưa tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động với quy mô lớn (cả nước hiện có khoảng 80 tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, 200 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, qua 8 năm thực hiện Luật Việc làm mới đánh giá và cấp chứng chỉ cho khoảng 80.000 lao động). Nhiều nghề đã có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhưng chưa được tổ chức đánh giá, chưa có nghề nào được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc 4 và 5.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, tăng cường năng lực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề và chuẩn hóa đội ngũ đánh giá viên, Luật Việc làm sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo hướng: 

(1) Cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; 

(2) Bổ sung quy định về đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, thẻ đánh giá viên; 

(3) Bổ sung quy định về điều kiện tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; 

(4) Bổ sung quy định về công nhận tương đương hoặc miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trong trường hợp người tham gia đã đoạt giải tại các kỳ thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế hoặc có chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật liên quan.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: "khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp".

- Cơ sở thực tiễn:

Giai đoạn 2015-2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.

Theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc). Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Bổ sung đối tượng tham gia BHTN gồm: 

(1) Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên; 

(2) Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố;

 (3) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

- Cơ sở thực tiễn:

Luật Việc làm quy định mức đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng. Do đó, chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng BHTN, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi Quỹ kết dư lớn.

Thực tế, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN[2].

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi mức đóng BHTN theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định: "Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động"; Nghị quyết số 42-NQ/TW quy định: "Chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm bền vững; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp".

- Cơ sở thực tiễn:

Quy định về điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, đến nay có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN để đào tạo duy trì việc làm cho 8.230 người lao động, tuy nhiên số doanh nghiệp được hỗ trợ còn thấp. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi, bổ sung theo hướng: (1) Quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ trong các trường hợp: Vì lý do kinh tế theo quy định tại Bộ luật Lao động; Thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của Bộ luật Lao động và (2) Quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách (bao gồm điều kiện về đóng đủ BHTN; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).

 Sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động

- Cơ sở chính trị:

Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định: "Sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động".

- Cơ sở thực tiễn:

Giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung:

Sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: (1) Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; (2) Bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Một số sửa đổi, bổ sung khác

- Bổ sung quy định khung về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam.

- Bổ sung quy định về việc làm cho học sinh, sinh viên nhằm bảo đảm quyền làm việc đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

- Bổ sung quy định về hoạt động hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hoạt động hỗ trợ phát triển dịch vụ việc làm.

- Bổ sung quy định về giao dịch việc làm điện tử gồm khái niệm và hình thức giao dịch việc làm điện tử, đảm bảo phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.

- Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm không vì mục đích lợi nhuận của các cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi cho việc hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, phổ biến thông tin thị trường lao động cho học sinh, sinh viên.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về cấu trúc của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cũng như quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

- Bổ sung quy định về Hội đồng kỹ năng nghề là tổ chức tư vấn về phát triển kỹ năng nghề, góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả tham gia của cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, người sử dụng lao động và các đối tác xã hội trong phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Bổ sung quy định về các kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế và quốc gia nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

- Bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, như: chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật; quy định Chính phủ quyết định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ hoặc dịch bệnh nguy hiện căn cứ tình hình kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

- Sửa đổi quy định về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

- Sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp được bảo lưu và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN gắn với quyền và trách nhiệm của người lao động.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến BHTN đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác (như trốn đóng BHTN, chi phí quản lý BHTN, đầu tư Quỹ BHTN, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHTN …) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật Việc làm" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com