Tạo việc làm giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống

13/09/2023 23:22

Theo dõi trên

Người khuyết tật (NKT) là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Thời gian qua, NKT luôn được Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện để có môi trường làm việc an toàn và có thu nhập ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7% dân số). Những năm qua, mặc dù NKT đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội, tuy nhiên thực tế, hành trình tiếp cận việc làm của họ vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay chỉ có khoảng 50% NKT có việc làm ổn định, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp về mặt chính sách và sự chung tay của toàn xã hội, giúp họ vượt qua sự tự ti để có thể chứng tỏ khả năng của mình.

Trước đây vốn là một người bình thường, chị Nguyễn Thị Hải ở phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định (Nam Định) đi làm công nhân cho một công ty may ở gần nhà. Tuy nhiên, căn bệnh viêm đa khớp hệ thống khiến chân chị suy yếu rồi liệt cả hai chân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Sau khi bị liệt, vượt qua mặc cảm, đi xin việc ở nhiều nơi không được nên chị đã vay mượn thêm vốn để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Khách đến mua tự lấy hàng rồi ra quầy thanh toán, còn người giao hàng cũng nhiệt tình giúp chị vận chuyển, xếp hàng lên giá. Chị Hải cho biết: “Sự sẻ chia của mọi người giúp tôi có thêm sức mạnh để vượt lên khó khăn. Cửa hàng tạp hóa nhỏ này đã giúp tôi có thu nhập nên cuộc sống cũng đỡ vất vả, không phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình”.

mot-lop-day-tin-hoc-cho-nguoi-khuyet-tat-pld-1694622070.jpg
Một lớp dạy tin học cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Còn chị Bùi Thị Hiền, công nhân Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long (quận Long Biên, TP Hà Nội), trong một lần làm việc, không may bị tai nạn, máy dập nát 2/3 bàn tay phải và một nửa bàn tay trái. Sau những tháng ngày buồn bã, chị Hiền lấy lại niềm tin để trở lại Công ty với vị trí việc làm khác, phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe. Chính sự tin cậy của lãnh đạo Công ty, sự đùm bọc của đồng nghiệp đã giúp chị Hiền có động lực tiếp tục được làm việc để lo cho bản thân.

Chị Hiền cho biết: “Tôi vẫn cảm thấy may mắn vì mình còn khả năng lao động và tiếp tục được Công ty nhận vào làm việc, không phải dựa dẫm vào người khác”.

Thực tế hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng nhận NKT vào làm việc, như Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội); Công ty TNHH Xã hội 3-12 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Công ty TNHH Duccest (khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, TP Hà Nội)... NKT khi được những công ty này tuyển sẽ được học nghề, làm nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp...

Hay như Công ty Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 40.000 lao động, trong đó có 300 lao động khuyết tật đang làm việc. Công ty đã tạo cơ hội để tất cả người lao động có điều kiện phát huy tốt nhất khả năng làm việc và thế mạnh của bản thân.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina Industrial cho biết: “Với chủ trương chia sẻ với cộng đồng, nhiều năm nay, Công ty Taekwang Vina Industrial đã nhận những lao động khuyết tật vào làm việc. Tùy theo mức độ khuyết tật để chúng tôi sắp xếp công việc cho phù hợp, ví dụ như với những người không đi được, phải ngồi xe lăn thì chúng tôi sắp xếp chỉ làm việc nhẹ, đơn giản bằng tay và bố trí vị trí làm việc gần cửa để thuận tiện ra vào... qua đó giúp NKT cảm thấy mình vẫn có thể làm được những việc như người bình thường, tự tạo thu nhập cho bản thân để không trở thành là gánh nặng cho xã hội”.

Mặc dù trong những năm qua, Nhà nước và các công ty, doanh nghiệp có nhiều chính sách giúp đỡ NKT có việc làm để tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội, tuy nhiên, cánh cửa việc làm không phải lúc nào cũng rộng mở, nhất là đối với những NKT ở nông thôn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch Hội NKT huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cho biết: “Thực tế hiện nay, NKT gặp nhiều khó khăn như trình độ học vấn thấp, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, không có những thông tin đầy đủ về thị trường lao động, nên để tìm được việc làm rất khó khăn. Bản thân NKT cũng có những mặc cảm và luôn tự ti, không dám tiếp cận với những cơ hội việc làm. Cùng với đó, nhiều người sử dụng lao động chưa tin tưởng trao cho NKT niềm tin để họ làm tốt công việc của mình, từ đó dẫn đến NKT khó tiếp cận được với việc làm. Thời gian qua, chúng tôi luôn quan tâm kết nối với các doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giúp NKT tiếp cận được các nguồn vốn vay để có thể tự tạo công ăn việc làm cho bản thân. Chỉ khi giúp họ có được “chiếc cần câu” thì chắc chắn NKT cũng sẽ lao động, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội”.

Bạn đang đọc bài viết "Tạo việc làm giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống" tại chuyên mục Dân sinh. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com