Hệ lụy việc lạm dụng tẩy chay

Gần đây, xuất hiện một xu thế, trào lưu lạm dụng tẩy chay diễn ra trong đời sống thực và trên không gian mạng với nhiều biến thể, khiến đông đảo thành phần bị cuốn theo, nhất là giới trẻ, gây ra những hệ lụy. Câu hỏi đặt ra là, mức độ tốt, xấu của trào lưu này thế nào; ảnh hưởng, tác động ra sao đến đời sống văn hóa con người trong xã hội?

Ở phương Tây, thuật ngữ tẩy chay (boycott) chính thức ra đời vào năm 1880 tại Ireland. Sau vụ mùa thất bát, người dân thuê đất của Charles Boycott đã đòi giảm 25% tiền thuê nhưng bị từ chối. Sau khi 11 người thuê đất bị đuổi, những người thuê đất và cả các công nhân đã ngừng làm việc trên đồng ruộng và chuồng ngựa cũng như trong nhà của Charles Boycott. Các doanh nhân ngừng giao dịch với anh ta và người đưa thư địa phương cũng từ chối chuyển thư. Cuộc tẩy chay này lan tràn khắp nơi và được báo New York Tribune tiếp sức. Từ đây, tẩy chay xuất hiện và là thuật ngữ chỉ sự cô lập có tổ chức. Từ đó trên thế giới đã ghi nhận một số cuộc tẩy chay lớn, như: Người Mỹ gốc Phi tẩy chay việc đi xe bus ở Montgomery chống lại việc phân biệt đối xử của người Mỹ da trắng; tẩy chay hàng hóa của Anh ở Mỹ thời cách mạng tại 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ...

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) do Nhà Xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2021 xác định, tẩy chay là động từ và định nghĩa: "Coi như không biết gì đến, không mua, không dùng, không tham gia, không có quan hệ, để tỏ thái độ phản đối" (trang 1142-1143). Mở rộng định nghĩa này, ta có thể hiểu, tẩy chay là một hiện tượng xã hội mang tính tự phát hoặc có tổ chức để một người, nhóm người thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ, hành động không hài lòng, không ủng hộ, phản đối và thậm chí miệt thị người và nhóm người khác hoặc sự việc, sự vật nào đó đã xảy ra trong đời sống; nhằm cạnh tranh hoặc hạ bệ đối thủ để thỏa mãn nhu cầu.

tay-chay-pld-1695620722.jpg
Tẩy chay. Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Đối với người Việt Nam, hiện tượng tẩy chay đã có từ lâu và tồn tại song hành với sự phát triển của lịch sử dân tộc, ẩn dưới các tên gọi khác nhau, có thể là kỳ thị, xa lánh, miệt thị hoặc ghẻ lạnh... Tùy vào thời điểm lịch sử, tùy vào trình độ nhận thức, hoàn cảnh xã hội, phương tiện sống và thậm chí là chế độ chính trị... mà có mức độ tẩy chay khác nhau. Ở xã hội tiểu nông thời phong kiến, tẩy chay có nhiều hình thức. Ví dụ rõ nhất được ghi lại trong tác phẩm chèo “Quan Âm Thị Kính”. Ở tác phẩm này, khi thông tin Thị Mầu tư thông dẫn đến có thai thì bị làng phạt vạ và bị tẩy chay. Tại các làng xã, người dân kỳ thị, tẩy chay những kẻ ăn cắp, ăn trộm, hủ hóa, làm điều xằng bậy, vi phạm luật tục, quy định. Những người bị tẩy chay phải sống biệt lập, tách ra khỏi hoạt động của cộng đồng. Năm 1919, tư sản Việt Nam đã dấy lên phong trào "tẩy chay khách trú" ở các thành phố, thị xã như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Tại các địa phương này, phong trào: "Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô", "Người An Nam mua bán với người An Nam" phát triển rất mạnh và đã thu được kết quả tốt. Nhiều người Việt đã thành danh sau những đợt tẩy chay kể trên, tiêu biểu như doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ở bình diện chính trị, nhà nước phong kiến cũng có những điều luật xử các quan lại phạm tội, trong đó có hình phạt lưu đầy, một biện pháp cô lập, cách ly khỏi xã hội. Ví dụ tại Điều 42 ở chương “Vi chế”, Bộ luật Hồng Đức triều Lê sơ có ghi rõ: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ”-“lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đầy đi các châu xa...).

Thực tế cho thấy, hiện tượng tẩy chay đã mang lại hiệu ứng tích cực cho xã hội, góp phần để xã hội nhìn nhận sự việc, sự vật và con người thấu đáo hơn, lan tỏa tư tưởng tốt đẹp, tạo dư luận, làm rào cản ngăn ngừa và đào thải cái xấu, cái ác ra khỏi cộng đồng. Ví dụ việc tẩy chay túi nilon phát triển rất mạnh, trở thành phong trào ở phụ nữ huyện Gia Lâm (Hà Nội) mấy năm qua đã góp phần gìn giữ môi trường. Hoặc như gần đây, việc tẩy chay những nghệ sĩ Việt có lối sống phóng túng, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội đã có hiệu ứng tích cực, ngăn ngừa cái xấu phát tác. Điển hình là năm 2019, khán giả đã tẩy chay bộ phim võ thuật của một nữ đạo diễn. Nguyên nhân vì trong phim có một nam ca sĩ thủ vai, nhưng vào năm 2018 anh này đã có hành vi gạ tình, sàm sỡ nữ học trò. Việc này là một trong nhiều hành động mang ý nghĩa tích cực, giúp những người nổi tiếng chú ý trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, danh tiếng nghề nghiệp.

Tuy nhiên trong thực tế cho thấy, hiện tượng tẩy chay rất khó kiểm soát, dễ bị các đối tượng trong xã hội lạm dụng và dùng thủ đoạn để kích động, chia rẽ, khiến tẩy chay lan rộng, thậm chí gây nguy cơ tập trung đông người để biểu tình, phản đối rồi bẻ ghi sang các vấn đề khác, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mất đoàn kết cộng đồng. Hậu quả việc lạm dụng tẩy chay với động cơ, mục đích không trong sáng gây ra trong thực tế thường ở mức từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, khiến tập thể, cá nhân bị tẩy chay lâm vào tình trạng đau khổ, bị tổn thương, mất tự tin và có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho tâm lý của họ.

Một ví dụ điển hình là gần đây, tôi có chị bạn đồng nghiệp trong cơ quan đang rất lo lắng vì con gái 17 tuổi đang học lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn TP Hà Nội liên tục bị các bạn tẩy chay, cách ly, cô lập. Nguyên nhân là do cháu không tham gia vào nhóm antifan (người tẩy chay hay người chống đối), cùng các bạn nữ khác trong lớp tẩy chay một ca sĩ nổi tiếng. Chị bạn đã làm việc với cô giáo chủ nhiệm và nhờ giúp đỡ nhưng tình hình không cải thiện được là bao. Trong xã hội hiện nay, chúng ta gặp rất nhiều sự việc tương tự, thậm chí còn bi kịch hơn.

Trong xã hội hiện đại, hiện tượng tẩy chay diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực và thu hút nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ. Ngày nay, với sự phát triển của internet, đặc biệt từ khi mạng xã hội ra đời, vào năm 2010, ở phương Tây, tẩy chay đã phát triển thành “Văn hóa hủy bỏ-Cancel Culture”, dùng để tẩy chay những người được cho là đã hành động hoặc nói năng không thể chấp nhận được. Cũng từ đây lại nảy sinh ra biến thể mới gọi là bắt nạt hoặc quấy rối qua mạng (trong tiếng Anh được gọi là online bullying hoặc cyberbullying). Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và đã lan đến Việt Nam, rồi bị lạm dụng, trở thành vấn đề nổi cộm, gây ảnh hưởng đến xây dựng xã hội văn minh, văn hóa.

Các hình thức bắt nạt hoặc quấy rối qua mạng ẩn danh dưới cụm từ tẩy chay thường bao gồm: Nói xấu, đánh nhau, chửi bới, chọc phá, không nói chuyện, không chơi chung... nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, thỏa mãn cảm xúc cá nhân đã gây nên những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận, thậm chí ảnh hưởng tới thể chất và có thể thiệt hại cả về tính mạng. Gần đây, ở Việt Nam, các hình thức ẩn dưới tẩy chay lan tỏa mạnh mẽ thông qua thành lập các nhóm antifan (người tẩy chay hay người chống đối) có số lượng rất đông đảo. Chỉ từ một sự việc rất nhỏ của một ai đó là ngay lập tức họ kêu gọi tham gia tẩy chay có khi lên tới cả mấy trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là, tình trạng chèo kéo, a dua tẩy chay trên mạng lan rộng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển nhân cách, đạo đức và văn hóa của giới trẻ, thậm chí có đối tượng đã lợi dụng việc này để tống tiền và bị khởi tố. Có nhà khoa học đã cảnh báo, nếu không phanh lại thì hiện tượng này sẽ làm cho đạo đức xã hội xuống cấp.

Gần đây, cơ quan chức năng đã ngăn chặn một số vụ việc nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển. Ví dụ sau một thời gian theo dõi, điều tra, ngày 16-9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của Vũ Văn Đức tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và nhà ở của Đức tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Vũ Văn Đức thừa nhận, từ tháng 2-2022, do cần tiền tiêu xài và lợi dụng việc mình có kiến thức thông thạo về hệ thống mạng internet, Đức đã lập nhiều Facebook ảo rồi xin gia nhập, làm quản trị viên của các nhóm antifan, trang Fanpage có số lượng người theo dõi lớn, sau đó đăng nhiều bài viết bịa đặt các thông tin nhằm bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng, từ đó cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng chứng minh được, với thủ đoạn như trên, Đức đã 3 lần cưỡng đoạt tài sản của một người nổi tiếng với tổng số tiền 128 triệu đồng.

Người Việt có câu: “Thương người như thể thương thân”, “một điều nhịn, chín điều lành”. Đây chính là một phần văn hóa khoan dung, độ lượng đã được vun đắp từ nghìn đời. Cùng với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thì xây dựng văn hóa khoan dung, độ lượng chính là giúp mỗi người tìm được sự nhẹ nhàng, bình yên trong tâm hồn, dễ nhận được sự yêu mến, nể phục từ mọi người xung quanh. Sự khoan dung, độ lượng sẽ giúp mối quan hệ giữa người với người trong xã hội được cải thiện đồng thời cũng mở ra cánh cửa để xây dựng cuộc sống an yên, vui vẻ, văn minh và văn hóa. Đây chính là cách để hạn chế bớt những biến thể và hệ lụy do việc lạm dụng tẩy chay gây ra.