MRB cho biết, do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm nên cần điều chỉnh đoạn tuyến của dự án. Cụ thể, đoạn đi ngầm thành 8,9km và đoạn trên cao thành 2,6km
Việc điều chỉnh thiết kế cũng sẽ tăng nhu cầu sử dụng đất của dự án từ 49,06ha lên 92,04ha. Diện tích bổ sung sẽ được sử dụng để thực hiện hành lang bảo vệ tuyến cho đoạn đi cao và ranh giới tuyến đoạn đi ngầm.
Đổi với kinh phí thực hiện, MRB đề xuất nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 35.679 tỉ đồng, tăng 16.124 tỉ đồng (82%) so với quyết định được phê duyệt.
MRB giải trình quá trình phân bổ kinh phí: thay đổi về quy mô đầu tư, làm tổng mức đầu tư tăng 3.807 tỉ đồng; thay đổi tỉ giá quy đổi, làm tổng mức đầu tư tăng 11 tỉ đồng; các nguyên nhân về giá làm tổng mức đầu tư tăng 5.769 tỉ đồng, thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư tăng 6.536 tỉ đồng
Căn cứ vào đề xuất điều chỉnh quy mô, MRB cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án lên 2009 - 2034. Trong đó, hoàn thành xây dựng vào năm 2029, và thêm 5 năm đào tạo vận hành bảo. Như vậy, so với mốc tiến độ ban đầu (2009 - 2015), dự án đã xin lùi thời gian hoàn thành thêm 14 năm.
Được biết, Dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2008. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km. Trong đó, 8,5 km đường đi ngầm, 3 km trên cao.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2009 - 2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỉ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP.Hà Nội là 3.079 tỉ đồng.
Chủ đầu tư dự án lý giải, dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007 - 2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên cần có điều chỉnh.