Mã số định danh LEI - "thẻ căn cước" của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế

Mã số định danh LEI cho phép doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng và thực hiện các giao dịch tài chính trên nền tảng số thuận tiện, minh bạch hơn.

Mã phân định pháp nhân (Legal Entity Identifiers – LEI) là một mã gồm 20 ký tự chữ và số dựa trên Tiêu chuẩn quốc tế ISO 17442:2012, được cung cấp cho các pháp nhân là đối tác của các giao dịch tài chính. Mỗi mã LEI chứa thông tin về quyền sở hữu của một pháp nhân và trả lời cho câu hỏi "ai là ai" và "ai sở hữu ai" – tức tổ chức/công ty mẹ trực tiếp hoặc cuối cùng của bất kỳ thực thể pháp lý nào.

Mã số LEI ra đời vào năm 2011, sau thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 khi các nhà quản lý nhận ra rằng mỗi quốc gia có hệ thống mã khác nhau để công nhận công ty đối tác của các giao dịch tài chính. Điều này dẫn đến việc không thể xác định chi tiết giao dịch của các tập đoàn riêng lẻ, xác định đối tác giao dịch tài chính và tính toán mức độ rủi ro của công ty cũng như thị trường.

Giờ đây, mã số này được sử dụng bắt buộc ở 45 quốc gia khác nhau để xác định các pháp nhân trong giao dịch tài chính và ngày càng được khuyến khích mở rộng như một “chứng minh thư” cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường quốc tế.

Ngoài các nước phát triển, một số nước ở châu Phi và Nam Á đã bắt đầu thiết kế những chính sách mở rộng tài chính toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), trong đó sử dụng mã số LEI để cho phép họ tiếp cận tín dụng bằng cách nộp đơn xin tài trợ thương mại và thiết lập các thỏa thuận hợp đồng với hệ thống ngân hàng quốc tế và đối tác.

Bên cạnh đó, các công ty SMEs không có nhiều nguồn lực để điều tra thị trường có thể sử dụng mã số LEI để tìm kiếm thông tin trên cổng thông tin của Tổ chức Toàn cầu Quản lý Mã số định danh pháp nhân (GLEIF) nhằm khai thác, đánh giá người mua và người bán mới ở các thị trường mục tiêu, từ đó mở rộng kinh doanh hiệu quả hơn.

4-1639990819.jpg
Mã định danh giúp các công ty, tổ chức giao dịch quốc tế trên nền tảng số thuận lợi hơn | Ảnh: Istock

Ở Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng mã LEI, trong đó đa phần là các ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tổ chức tài chính (67%), tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (17%) và startup, NGO nhận vốn đầu tư từ nước ngoài (16%).

Đặc biệt, trong lĩnh vực khởi nghiệp, các dự án thường bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, sau đó mở rộng ra bằng cách vay vốn ngân hàng, tìm nhà tài trợ hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư. Trong quá trình gọi vốn, điều kiện tiên quyết là thông tin minh bạch. Nhiều công ty đã bị phát hiện che giấu chi tiết về các khoản thanh toán tiềm năng khi bị lôi kéo vào các tranh cãi pháp lý. Một số công ty, để huy động tiền từ các nhà đầu tư với mức định giá cao hơn, có thể che giấu chi tiết về các khoản đầu tư ban đầu và nợ trong công ty. Đây là vấn đề mà định danh duy nhất của doanh nghiệp có thể góp phần giải quyết, từ đó giúp doanh nghiệp “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư.

LEI cũng đang được tích hợp dần dần trong các hệ thống lớn, bao gồm một số chuỗi thương mại quốc tế và các hoạt động trên nền tảng đám mây công cộng. Hải quan Mỹ đang triển khai thí điểm vào cuối năm 2021 nhằm minh bạch hoá sản phẩm hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ thông qua mã LEI. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia tham gia 6 loại ngành hàng mà Mỹ sẽ triển khai thí điểm.

Đại diện của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Bộ KH&CN), đơn vị chính thức cấp mã định danh pháp nhân LEI của tổ chức GLEIF nhận xét rằng với thị trường xấp xỉ một triệu doanh nghiệp và tổ chức đang hoạt động, việc sử dụng mã LEI ở Việt Nam vẫn còn chưa phổ biến và có nhiều tiềm năng phát triển.

Từ đầu năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp nhận hồ sơ và cung cấp mã LEI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp giảm chi phí do không phải đăng kí thông qua đơn vị cấp phát mã LEI ở nước ngoài và có thể được nhận hỗ trợ tốt nhất.

Thời hạn hiệu lực của LEI là một năm kể từ ngày đăng ký, việc gia hạn hằng năm là điều bắt buộc nếu công ty hoặc tổ chức muốn tiếp tục tham gia vào các giao dịch tài chính được quy định.