Một vị Thủ tướng luôn nghĩ về dân

Tư duy xuyên suốt cuộc đời hoạt động của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tất cả vì dân, lo cho dân, đem lại lợi ích cho dân, cải thiện đời sống của dân.

dxcvepty-16691041743141270948510-1669187578.jpg

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3/11/1993

Ông Vũ Quốc Tuấn vinh dự được là Trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong 10 năm, từ 1985 đến 1994. "Những năm phục vụ Thủ tướng Võ Văn Kiệt là những năm tháng vô cùng quý báu đối với tôi. Qua đó, tôi đã học tập được ở ông rất nhiều, từ tư duy cho đến phong cách. Đối với tôi, ông là người anh, người thầy vô cùng thân thiết", ông Vũ Quốc Tuấn chia sẻ. 

Năm nay là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nhân dịp này, chúng ta ôn lại những bài học về tầm nhìn và đức độ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên thường gọi là Sáu Dân) để lại, cố gắng học tập và vận dụng trong công tác của mỗi người.

Tầm nhìn chiến lược đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, điều nổi bật trước tiên mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho chúng ta là tầm nhìn chiến lược đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước trong những năm đầu Đổi mới.

Trong thời gian ấy, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII, cùng với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết định về cơ chế, chính sách rất có ý nghĩa, như: Khuyến khích các hộ nông dân sản xuất hàng hóa, cùng với củng cố các hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới công tác kế hoạch hóa; cải tiến việc giao chỉ tiêu cho xí nghiệp quốc doanh; khuyến khích kinh tế tư nhân; chấp nhận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xóa bỏ các trạm kiểm soát dọc đường, thực hiện lưu thông lương thực, thực phẩm thông suốt trong cả nước; cải tổ hệ thống ngân hàng; không hạn chế số ngoại tệ do kiều bào gửi về...

Về các công trình, có thể kể những công trình do ông Sáu Dân khởi xường và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, như: Công trình thủy lợi kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây, xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam, đường bộ Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất, đường Bắc Thăng Long-Nội Bài...

Đáng chú ý nhất là đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam. Lúc đó, đã có không ít ý kiến nghi ngờ, phê phán, coi đó là một quyết định duy ý chí, gây lãng phí lớn. Trước tình hình đó, ông Sáu Dân đã công khai bảo vệ, báo cáo Bộ Chính trị, nhận trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo. Sau 2 năm, công trình đã xây dựng thành công, sớm hơn dự kiến là 4 năm. Đến nay, công trình đường dây 500 kV đóng vai trò cực kỳ quan trọng của hệ thống đường tải điện này đã được thực tiễn chứng minh.

Tất cả vì dân, lo cho dân

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, có 2 yếu tố đã tạo cho ông Sáu Dân tính quyết đoán đối với những công việc ấy, mà không rơi vào chủ quan, duy ý chí. Đó là xuất phát từ tư duy xuyên suốt cuộc đời hoạt động của ông: Tất cả vì dân, lo cho dân, đem lại lợi ích cho dân, cải thiện đời sống của dân. Chính vì xuất phát từ lợi ích của dân, mà ông đã đem cả sinh mệnh chính trị của mình ra bảo đảm - sẵn sàng chịu kỷ luật nếu đường dây 500 kV không thành công.

Cùng với tư duy ấy, là việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Ông đi khá nhiều địa phương vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương, nghiên cứu thực tế tình hình đồng ruộng để tìm ra cách làm kênh mương thoát nước, thau chua, rửa mặn. Riêng với đường dây 500 kV Bắc-Nam, đã có những cuộc họp thâu đêm giữa ông và các chuyên gia về điện, là việc cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tế, tham vấn ý kiến chuyên gia nước ngoài, để có đủ căn cứ khoa học của công trình.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc là con đường đúng đắn thu phục nhân tâm về một mối sau nhiều năm đất nước bị chia cắt, là nguồn sức mạnh sáng tạo bất tận của dân tộc ta trong phát triển đất nước.

Tư tưởng ấy đã được thể hiện nổi bật trong bài phát biểu nổi tiếng của ông tại cuộc gặp mặt kiều bào lần đầu tiên trong dịp Tết Quý Dậu (tháng 2/1993): "Ý thức dân tộc và lòng yêu nước, đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam hướng vào mục tiêu đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân, là thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội thật sự dân chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mục tiêu đó kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi người với lợi ích chung của cả dân tộc. Yêu nước, đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chung lòng, chung sức phấn đấu theo mục tiêu đó, vượt lên trên những sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến".

Đức tính 'lắng nghe'

Trong câu chuyện chia sẻ cùng Báo Điện tử Chính phủ, trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh, cố Thủ tướng chính là một nhà lãnh đạo luôn luôn suy nghĩ, tìm chủ trương mới, cách làm mới, xuất phát từ nghiên cứu thực tế rất công phu, sâu sắc, kết hợp với lắng nghe ý kiến chuyên gia.

Chính vì tôn trọng thực tiễn, mà khi nhận chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (năm 1982), ông đã dành hẳn một năm để đi về các tỉnh, huyện, thậm chí cả xã, hợp tác xã miền Bắc và miền Trung, nơi mà ông tự cho là chưa nắm được tình hình, để khảo sát tình hình kinh tế-xã hội cũng như cung cách xây dựng và thực hiện kế hoạch. Sau đó, ông đã để hẳn một ngày giới thiệu với cán bộ chủ chốt của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kết quả khảo sát, nêu lên những nhận xét rất chính xác về thực trạng công tác kế hoạch hóa thời đó đã quan liêu, áp đặt, xa thực tế, triệt tiêu mọi sáng kiến, sáng tạo từ dân và cơ sở.

Ông đề xuất những giải pháp để bước đầu đổi mới công tác kế hoạch hóa, như các chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên, xuất phát từ thực tế, tôn trọng mọi sáng tạo của dân, vì lợi ích của dân.

Ông Sáu Dân đặc biệt tôn trọng trí thức, quan tâm quy tụ và lắng nghe ý kiến trí thức, qua đó, bổ sung cho những quyết sách của mình. Ông cho rằng tài nguyên lớn nhất của mọi quốc gia là tài nguyên con người, cần được khơi dậy và phát huy. Trong công cuộc phát triển đất nước, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức và học vấn; chính vì thế, phải dựa vào chuyên gia, lắng nghe họ. Phát hiện được nhân tài, trọng dụng nhân tài cũng là một phẩm chất hàng đầu của người lãnh đạo.

Theo hướng đó, năm 1993, ông thành lập "Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính", gồm chuyên gia trong nước và một số trí thức người Việt ở nước ngoài trực tiếp giúp ông trong những quyết sách quan trọng, như hoạch định chương trình tiến hành cải cách; kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới; tham gia soạn thảo hoặc phản biện các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới.

Tại các cuộc làm việc với các chuyên gia tư vấn nói trên cũng như với các chuyên gia khác, ông Sáu Dân đều nghe họ một cách chân thành, ghi chép tỉ mỉ. Vấn đề nào ông chưa rõ thì ông yêu cầu giải thích thêm, rồi hỏi lại cho rõ. Ông tranh luận thẳng thắn đối với những ý kiến mà ông thấy rằng chưa thỏa đáng, hoặc bổ sung thêm thực tế cho những người chưa đủ thông tin.

Ông rất thích làm việc với những người có chủ kiến, thích nghe những ý kiến "trái tai" mình. Chính là do tác phong gần gũi, chân thành, ông đã có sức hút mạnh mẽ đối với trí thức. Họ đã tin cậy ông, phát biểu với ông những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, không ngần ngại nói ra cả những ý kiến trái với suy nghĩ của lãnh đạo, nhưng đó lại là những ý kiến, mà ông – một người Thủ tướng luôn nghĩ cho dân, rất muốn lắng nghe.

Phương Liên (ghi)